|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

VinFast tìm cách huy động vốn trong giới đầu tư siêu giàu

14:26 | 21/02/2024
Chia sẻ
Thông qua đối tác, VinFast muốn thu hút những nhà đầu tư có tài sản ròng cực cao.

Tờ DealStreetAsia cho biết nhà sản xuất xe điện VinFast đang tìm cách thu hút các Family Offices (văn phòng gia đình - công ty tư vấn quản lý tài sản tư nhân phục vụ các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao) và lĩnh vực Alternative Assets (tài sản thay thế - là sản phẩm đầu tư độc đáo như tác phẩm nghệ thuật, rượu vang, khác với sản phẩm truyền thống cổ phiếu hay trái phiếu).

Theo hồ sơ gửi cơ quan Quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore, VinFast tiếp cận nhóm nhà đầu tư tiềm năng kể trên thông qua quan hệ đối tác với FORCE Family Office có trụ sở tại Mỹ.

Thoả thuận giữa hai bên nhằm mục đích tận dụng các “văn phòng gia đình, nhà đầu tư, hệ sinh thái và những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao (UHNWI) để tạo ra một nhóm khách hàng sẵn sàng cho VinFast” - hồ sơ viết.

Theo đó, FORCE sẽ giới thiệu VinFast trong cộng đồng Alternative Assets và các Family Offices thông qua hơn 100 sự kiện, hội thảo trực tuyến mỗi năm. Trong văn bản gửi kèm hồ sơ, FORCE cho biết: “Để thu hút thành công các Family Offices đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu và phát triển các cuộc đối thoại trực tiếp”. 

Trong một tuyên bố với DealStreetAsia, tập đoàn mẹ của VinFast là Vingroup nói rằng việc hợp tác với FORCE nhằm mục đích “khuyến khích đầu tư vào VinFast”.

VinFast xuất khẩu xe điện sang Mỹ. (Ảnh: Đức Huy).

Theo các điều khoản của thỏa thuận, VinFast sẽ trả 60.000 cổ phiếu phổ thông dưới dạng phí dịch vụ cho FORCE. Con số này chiếm chưa đến 5% tổng số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành của nhà sản xuất xe điện.

Theo giới thiệu trên website, FORCE - được thành lập vào năm 2020, có nhiệm vụ giúp các Family Offices kết nối với nhau cũng như với các công ty tư nhân và đại chúng để cùng đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và tổ chức các hoạt động từ thiện.

Mục tiêu cuối cùng của FORCE là xây dựng các mối quan hệ dẫn đến hợp tác đầu tư.

“Đầu tư trực tiếp vào các công ty tư nhân và đại chúng đã tăng đáng kể trong 20 năm qua khi số lượng các Family Offices tăng gần gấp 10 lần và các khoản đầu tư truyền thống cho thấy tỷ suất lợi nhuận thấp”, website FORCE viết.

VinFast - được hậu thuẫn bởi tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq vào tháng 8 năm ngoái với mức định giá dự kiến là 23 tỷ USD. Chỉ sau vài ngày niêm yết, giá trị vốn hoá thị trường VinFast đã lên tới 191 tỷ USD. Hiện tại, vốn hoá VinFast trượt xuống còn khoảng 14 tỷ USD.

 Diễn biến giá cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq trong ba tháng trở lại. (Nguồn: TradingView).

Mới đây, VinFast cho biết sẽ tăng tỷ lệ free float (khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng so với tổng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường) từ 2% hiện nay lên 10-20% vào cuối năm.

Ngoài tổ hợp sản xuất tại Đình Vũ, Hải Phòng và nhà máy trị giá 2 tỷ USD tại Mỹ đang xây dựng, VinFast có kế hoạch mở rộng nhà máy tại khu vực châu Á. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ đầu tư ít nhất 1,2 tỷ USD vào Indonesia để phân phối xe và xây dựng một nhà máy xe điện.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, công ty cũng có kế hoạch bơm tới 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện cũng như pin điện dùng trong ô tô.

VinFast vẫn chưa có lãi. Năm ngoái, ông Phạm Nhật Vượng cho biết hãng xe dự kiến sẽ đạt điểm hoà vốn “trong một hoặc hai năm tới”.

Đầu năm nay, VinFast công bố bán hơn 13.500 xe điện trong quý IV/2023, nâng tổng doanh số bán ô tô điện trên toàn cầu lên gần 42.300 chiếc.

Đức Huy

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 2/7: Tiếp tục đi ngang
Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong phiên giao dịch kế tiếp. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp tại nhịp hồi cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.