|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaseed: Nhà máy Đồng Tháp sẽ bắt đầu cho 'quả ngọt' trong năm nay, lợi nhuận dự kiến 55 tỉ đồng

11:45 | 25/06/2020
Chia sẻ
Theo chia sẽ của Ban lãnh đạo Vinaseed, Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp sẽ mang lại hiệu quả ngay trong năm 2020 với lợi nhuận kế hoạch 50 – 55 tỷ đồng và dự kiến sẽ thu hồi vốn trong vòng 5 năm tới.

Ngày 22/6 vừa qua, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - Mã: NSC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.513 tỉ đồng và lãi sau thuế 185 tỉ đồng trong năm 2020.

Nhà máy Đồng Tháp của Vinaseed sẽ bắt đầu cho 'quả ngọt' trong năm nay với lợi nhuận dự kiến 55 tỉ đồng - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020. Nguồn: Vinaseed

So với kết quả thực hiện năm 2019, doanh thu kế hoạch thay đổi không đáng kể, lợi nhuận sau thuế của công ty được dự báo sẽ giảm đến 11%. Với mức lợi nhuận này, Vinaseed dự kiến chia cổ tức tỉ lệ 30-40% cho năm 2020.

Bên cạnh đó, đối với mức lãi sau thuế 207,5 tỉ đạt được trong năm qua, đại hội đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2019 với mức chia cổ tức 40% bằng tiền mặt và 15% cho quĩ đầu tư phát triển.

Về định hướng hoạt động của công ty trong năm 2020, Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, Vinaseed sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành giống, trong đó giống cây lương thực là chủ lực. Bên cạnh đó, công ty sẽ phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển thêm các sản phẩm rau và hoa.

Theo đó, Vinaseed đã thông qua dự toán ngân sách phục vụ nghiên cứu lên đến 30 tỉ đồng để phục vụ xây dựng trung tâm nghiên cứu lúa tại Cờ Đỏ trong năm 2020. 

Về cơ cấu đầu tư, khoảng 50% vốn được đầu tư cho nghiên cứu lúa tại hai vùng sinh thái từ Duyên hải Nam Trung Bộ trở vào Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và từ Tây Nguyên trở ra Bắc.

Cũng theo bà Liên, trước đó, năm 2019, công ty đã đầu tư vào dự án Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản Đồng Tháp với tổng đầu tư 326 tỉ đồng, trang bị hai dây chuyền chế biến, bao gồm dây chuyền chế biến giống công suất 50.000 tấn/năm và dây chuyền chế biến gạo công suất 100.000 tấn/năm.

Khánh thành từ tháng 14/12/2019, ban lãnh đạo công ty dự kiến, nhà máy này sẽ mang lại hiệu quả ngay trong năm 2020 với lợi nhuận kế hoạch 50 – 55 tỉ đồng và sẽ thu hồi vốn trong vòng 5 năm tới.

Chia sẻ về lí do phát triển các sản phẩm từ gạo, ông Trần Đình Long – Ủy viên HĐQT cho biết, kế thừa định hướng của Tập đoàn PAN trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, việc phát triển ngành lương thực gạo của Vinaseed sẽ tạo lợi nhuận kép cho công ty theo chuỗi giá trị từ “nông trại đến bàn ăn”.

Một trong những vẫn đề được cổ đông quan tâm và nhắc tới đại hội là việc Vinaseed có kế hoạch thực hiện M&A trong những năm sắp tới không?

Về vấn đề này, ban lãnh đạo cho biết, công ty sẽ tiếp tục các hoạt động M&A cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với mục tiêu chi phối thị trường giống ĐBSCL như công ty đã thực hiện trong suốt ba năm vừa qua.

Chia sẻ thêm về tham vọng chiếm lĩnh về thị phần toàn quốc và chi phối thị trường ĐBSCL, bà Liên cho hay, bên cạnh M&A, Vinaseed cũng đưa ra kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động trong thời gian tới. 

Cụ thể, công ty đặt mục tiêu hệ thống sấy tại Vinaseed Tây Nguyên chiếm lĩnh 50% thị trường tại khu vực Tây Nguyên, trong khi đó hệ thống chế biến dây chuyền tự động công suất 15 tấn/giờ tại nông trường Cờ Đỏ sẽ cung cấp sản phẩm cho thị trường Duyên hải Nam trung bộ, Bắc trung bộ.

Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua bầu bà Nguyễn Thị Nga, Kế toán trưởng The PAN Group làm thành viên Ban kiểm soát của Vinaseed.

Đồng thời, bà Trần Kim Liên sẽ thôi giữ chức Tổng giám đốc từ đầu tháng 7, người sẽ kế nhiệm vị trí này là Ông Nguyễn Quang Trường, Phó Tổng giám đốc.

Hòa My

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.