|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinaconex đạt 726 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021

08:00 | 05/02/2022
Chia sẻ
Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Mã: VCG) công bố cho thấy kết quả sản xuất – kinh doanh vẫn có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất quý IV của Vinaconex đạt 2.133 tỷ đồng, cao hơn 22% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm, Tổng công ty đạt 5.743 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV của Vinaconex đạt gần 191 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 726 tỷ đồng.

Xét trong bối cảnh các doanh nghiệp xây lắp, bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch, lợi nhuận mà Vinaconex đạt được cho thấy nỗ lực của doanh nghiệp.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2021, tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn của Vinaconex là 6.684 tỷ đồng, tăng 88% so với đầu năm.

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đạt 749 tỷ đồng, cao hơn con số 652 tỷ đồng năm ngoái.

Báo cáo tài chính của Tổng công ty cũng cho thấy khoản mục hàng tồn kho đạt 3.629 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm. Đây sẽ là lợi thế của doanh nghiệp khi mặt bằng giá đất ở các địa phương đều tăng cao hơn so với trước đây. Việc Tổng công ty chú trọng đầu tư nhằm sớm có sản phẩm đưa ra thị trường thể hiện khá rõ qua khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt 1.797 tỷ đồng, cao gấp 2,43 lần đầu năm.

Sau một năm tích cực đầu tư, mở rộng quỹ đất, tính đến cuối năm, tổng tài sản của Vinaconex đã đạt 31.194 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu kỳ.

Vinaconex đạt 726 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 - Ảnh 1.

Ảnh: Vinaconex.

Năm 2022, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI bình quân tăng khoảng 4%. Trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021.

Gói kích thích kinh tế và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 được thông qua vào tháng 1/2022 đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó nổi bật hai ngành đang được dòng tiền quan tâm là xây dựng và bất động sản. Chính phủ có thể sẽ tập trung vào các dự án hiện có, và thực hiện việc chuyển đổi các dự án PPP thành 100% vốn đầu tư công, hoặc hỗ trợ giải phóng mặt bằng… để có thể giải ngân nhanh chóng. Một số dự án có thể kể đến như dự án cao tốc Bắc Nam – GĐ 2 (phía đông) hoặc một số đường vành đai tại TP HCM hoặc Hà Nội.

Năm 2021, giá trị các hợp đồng xây lắp của Vinaconex đạt khoảng hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia như các gói thầu lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2021; dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 – Hà Nội, một số gói thầu của các dự án xây dựng sân bay Long Thành, Phú Bài...

Trong báo cáo tháng 1/2022, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, nhiều dự án bất động sản của Vinaconex sẽ bắt đầu đem lại lợi nhuận cho công ty kể từ năm 2022 trở đi. Có thể kể đến Dự án trọng điểm Cát Bà - Amatina đang được gấp rút triển khai với quy mô 172 ha tại Cát Bà. Đã có gần 100 căn biệt thự đang hoàn thiện và dự kiến đem lai doanh thu vào đầu 2022. Vinaconex cũng đang thực hiện quá trình tăng tỉ lệ sở hữu tại Vinaconex – ITC (VCR), chủ đầu tư dự án lên 51% và nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra Vinaconex còn sở hữu một số dự án bất động sản khác như tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội), khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài, khu dân cư đô thị tại Km3 - Km4 ở Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu từ năm 2022 trở đi, cùng nhiều dự án đang nghiên cứu triển khai khác, tổng quỹ đất hơn 2.000 ha.

Trong chiến lược phát triển, Vinaconex tham vọng nâng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025

Bích Thu