|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinachem phải khẩn trương giải quyết dứt điểm 4 dự án yếu kém

21:40 | 14/01/2017
Chia sẻ
4 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triển miên ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể tập đoàn, nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả có thể dẫn tới phá sản.

Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam một mặt phải giữ vững 4 nhóm ngành nghề kinh doanh chính, mặt khác phải tập trung xử lý nhanh và dứt điểm 4 dự án yếu kém, thua lỗ triền miên. Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, 4 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đều là doanh nghiệp quy mô lớn gồm: Công ty CP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP DAP–Vinachem, Công ty CP DAP số 2 Vinachem, kéo kết quả chung của nhóm ngành phân bón sụt giảm mạnh.

Dự án Đạm Ninh Bình là 1 trong 4 dự án thua lỗ của Tập đoàn công nghiệp hóa chất, Bộ Công Thương. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới lỗ phát sinh của các đơn vị là do giá bán phân bón giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng giảm. Thêm vào đó, do nhiên liệu vẫn ở mức cao, nên giá thành phân đạm của 2 công ty Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc không cạnh tranh được.

Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, Tập đoàn tiếp tục giám sát tài chính đặc biệt đối với 4 doanh nghiệp yếu kém này. Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho các công ty.

Theo đó, Tập đoàn đã chuyển tiền thay Công ty Đạm Ninh Bình trả ngân hàng khoản nợ gốc, lãi vay khoảng 1.460 tỷ đồng; nhiều lần hỗ trợ nguồn vốn ngắn hạn cho các công ty với số tiền hỗ trợ Đạm Ninh Bình là 150 tỷ đồng, Đạm Hà Bắc 80 tỷ đồng.

Để xử lý các dự án yếu kém, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá bán than cho các đơn vị sản xuất phân bón. Đối với khoản vay của dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn khiến nghị Thủ tướng xem xét kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng. Cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay… Khoản vay lại của Bộ Tài chính cho dự án Đạm Ninh Bình, đề nghị Chính phủ cho phép giãn trả nợ gốc thêm 5 năm, đồng thời cho miễn trả lãi trong 3 năm, từ 2017 đến 2029…

“Nếu có được những hỗ trợ sẽ giảm bớt được khó khăn trong xử lý các dự án yếu kém. Tuy nhiên với thực tế giá thị trường thế giới như hiện nay, mọi sự trợ giúp cũng chỉ đỡ một phần nào khó khăn, vì trước đây giá dầu mỏ 130 USD/thùng nay có thời điểm còn 30 USD/thùng. Tập đoàn hiện vẫn phải xây dựng kế hoạch, trông chờ vào sự chuyển biến của thị trường”, ông Tường nêu khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Theo Phó Thủ tướng, nhìn tổng thể, giá trị sản xuất của Tập đoàn đạt thấp và không hoàn thành mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 39.100 tỉ đồng, giảm 11% so với 2015, tức là không có tăng trưởng, doanh thu đạt hơn 41.900 tỉ đồng, giảm 8,4%.

Đặc biệt, trong số 24 đơn vị của Tập đoàn đã có 4 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể tập đoàn. Các dự án hoạt động thua lỗ triền miên này, nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả có thể dẫn tới phá sản.

Chia sẻ với những khó khăn lớn nhất từ trước đến nay của Tập đoàn, song Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Tập đoàn cần nhận diện đầy đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, quản trị ở một số dự án còn hạn chế, làm tăng chi phí đầu vào, tăng giá thành và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Quản lý yếu kém dễ bị thất thoát, lãng phí, đó là khâu yếu cần tập trung khắc phục.

Về nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đẩy mạnh cấu trúc lại đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, giữ vững 4 nhóm ngành sản xuất, kinh doanh chính, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, phải tập trung xử lý triệt để tồn tại của các dự án gặp khó khăn:

“Tập đoàn có mạnh hay yếu, tồn tại hay không thì phải tập trung xử lý triệt để tồn tại của dự án gặp khó khăn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP… Hiện Chính phủ đang xem xét cụ thể. Tập đoàn phải quyết liệt và xem xét để có giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại. Nếu Nhà nước vẫn quản lý thì thế nào, còn không thì ta phải mời thêm các đơn vị khác, bán vốn hoặc phá sản. 4 doanh nghiệp này mức độ khó khăn khác nhau, tùy theo tình hình cụ thể để có hướng xử lý. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đang quyết liệt xử lý, giúp tập đoàn tháo gỡ khó khăn để phát triển”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam nghiêm túc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, tránh hình thức, để tăng hiệu quả quản trị, kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh thất thoát. Đặc biệt chú trọng giải pháp bảo vệ môi trường, không được để xảy ra sự cố môi trường về hóa chất, vì sự cố môi trường không những làm cho doanh nghiệp không phát triển bền vững mà còn khó lấy lại uy tín của doanh nghiệp./.

Việt Hà

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.