|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Động thái bổ nhiệm nhân sự của ông Trump làm giảm rủi ro với chứng khoán Việt Nam

20:14 | 29/11/2024
Chia sẻ
Theo VinaCapital, có khả năng chính quyền sắp tới của ông Trump sẽ xem xét các yếu tố địa chính trị khi quyết định thuế đối với từng quốc gia. Điều này được đánh giá sẽ có lợi cho Việt Nam, vì có sự đồng thuận của lưỡng đảng rằng Việt Nam hữu ích đối với Mỹ trong việc đạt được các mục tiêu địa chính trị trong khu vực.

Tại phân tích mới đây, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho rằng Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhất ở Châu Á trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump.

Mặc dù nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của ông Trump có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như lần đầu, nhưng VinaCapital nhận thấy rủi ro rất thấp rằng các chính sách thuế quan của ông sẽ làm gián đoạn đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Trump đã chọn ông Scott Bessent, người được coi là Bộ trưởng Tài chính “lý tưởng” cho Việt Nam. Ông Bessent đã nhiều lần nói rằng các đề xuất thuế quan của ông Trump là cực đoan có thể sẽ được giảm nhẹ trong các cuộc đàm phán. Thông báo gần đây của ông Trump về việc ông dự định áp mức thuế 25% đối với Canada và Mexico có thể nên được hiểu theo hướng này.

Quan trọng hơn đối với Việt Nam, ông Bessent ủng hộ việc xem xét các mục tiêu địa chính trị của Mỹ khi xác định mức thuế đối với từng quốc gia.

Chi tiết về cách thức chiến lược này có thể hoạt động, cũng như các khía cạnh khác của chiến lược thuế quan của ông Trump, đã được phác thảo trong một báo cáo mang tên “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu”.

Việc ông Trump tái đắc cử đã khiến một số kênh truyền thông quốc tế cảnh báo rằng các chính sách thuế quan của ông có thể làm suy yếu nền kinh tế Việt Nam một cách nghiêm trọng. VinaCapital cho rằng đây là những nhận định cực kỳ bi quan, vì những tuyên bố này không kèm theo bất kỳ bằng chứng giải thích vì sao Việt Nam lại chịu đựng sự suy giảm GDP nghiêm trọng như vậy.

Thêm vào đó, điểm chung giữa các báo cáo chính sách "The Longer Telegram" và “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu” là việc các yếu tố địa chính trị cần phải định hình mối quan hệ kinh tế của Mỹ với các quốc gia trên toàn cầu.

Đây là điều lý tưởng đối với Việt Nam vì chiến lược "Ngoại giao Cây tre" khéo léo của Việt Nam trong việc kết thân cả với Trung Quốc lẫn nhóm các quốc gia như Mỹ/ thân thiện với Mỹ.

(Nguồn: VinaCapital).

Ông Trump muốn đưa các công việc sản xuất quay trở lại Mỹ. Ông đã công khai về ý định sử dụng thuế quan để đạt được mục tiêu này trong suốt chiến dịch tranh cử, mặc dù mối đe dọa áp thuế lên Trung Quốc cũng đã thu hút sự ủng hộ từ một trong những nhóm cử tri quan trọng của ông: những người lao động bậc thấp.

Cốt lõi của chiến lược thuế quan mà ông Trump có thể sẽ áp dụng là sử dụng thuế để: gây áp lực để Trung Quốc, Đức và các quốc gia khác xây dựng nhà máy tại Mỹ; và Thúc đẩy sự hợp tác rộng rãi cho một thỏa thuận “Plaza Accord 2.0” nhằm làm giảm giá trị đồng USD khoảng 20%.

Mục tiêu thứ hai sẽ khuyến khích việc đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ và sẽ có lợi cho Việt Nam vì Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt điều tiết tỷ giá VND theo đồng USD.

Cũng cần lưu ý rằng ông Bessent và những người khác ủng hộ việc áp dụng thuế quan dần dần để tránh làm rối loạn thị trường và/hoặc tăng lạm phát ở Mỹ.

Theo VinaCapital, chiến lược đã mô tả ở trên, tức sử dụng thuế quan như một chiến lược đàm phán để đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, sẽ có ảnh hưởng trung lập về mặt kinh tế đối với Việt Nam vì một số lý do.

Phong cách đàm phán và giao tiếp của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu khá thất thường, và do đó, những phát biểu bất ngờ và các bài đăng trên mạng xã hội của ông có thể tác động đến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới, bao gồm cả thị trường Việt Nam.

Dù vậy, có thể các thị trường sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những phát ngôn của ông Trump lần này. Tiếp theo, hầu hết các thành viên trong đội ngũ kinh tế của ông Trump sắp tới đã bày tỏ sự dè dặt về việc áp dụng mức thuế quan cao đối với các đối tác thương mại của Mỹ.

Rủi ro trước mắt lớn nhất đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (và các thị trường chứng khoán mới nổi khác) là khả năng đồng USD tiếp tục tăng giá. Chỉ số USD/DXY đã tăng khoảng 7% trong thời gian trước và sau cuộc bầu cử, phần nào do lo ngại về thuế quan (chiến lược “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống Thương mại Toàn cầu” bao gồm một thỏa thuận “Plaza Accord 2.0” để giảm bớt tác động của đồng USD mạnh do thuế quan).

“Tỷ giá USD/VND đã giảm gần 5% tính đến thời điểm này trong năm. Nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng, mức giảm tỷ giá VND có thể vượt qua ngưỡng quan trọng 5% trong năm, khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ và/hoặc tăng lãi suất để hỗ trợ đồng VND”, ông Michael Kokalari nhận định.

Cuối cùng, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ, vào khoảng 100 tỷ USD, là lớn thứ ba chỉ sau Mexico và Canada. Để đặt con số này vào ngữ cảnh, Bộ Tài chính Mỹ có ba tiêu chí để coi một quốc gia là “thao túng tiền tệ”, trong đó có việc duy trì thặng dư thương mại kéo dài trên 30 tỷ USD. Việt Nam cần có các biện pháp khẩn cấp để giảm thặng dư thương mại với Mỹ bằng cách tăng cường mua thêm các sản phẩm của Mỹ (ví dụ, khí hóa lỏng LNG, động cơ máy bay…).

Xuân Nghĩa