|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Việt Nam vững vàng ở nhóm cận biên, Pakistan có thể bị tụt hạng

09:56 | 25/06/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được MSCI nâng hạng, trong khi một thị trường mới nổi ở khu vực châu Á là Pakistan nhiều khả năng sẽ bị đánh tụt xuống nhóm cận biên.
Việt Nam vững vàng ở nhóm cận biên, Pakistan có thể bị tụt hạng - Ảnh 1.

Vinamilk là một trong 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên MSCI Frontier Markets 100 Index. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Việt Nam ở nguyên trong nhóm cận biên

Ngày 24/6 theo giờ Mỹ (tức sáng sớm 25/6 theo giờ Việt Nam), tổ chức cung cấp chỉ số MSCI công bố kết quả xếp hạng các thị trường chứng khoán trên thế giới. Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở nhóm thị trường cận biên cùng với Bangladesh, Sri Lanka, Slovenia, Kenya, ... 

Trong báo cáo về khả năng tiếp cận thị trường chứng khoán công bố hồi đầu tháng 6 này, MSCI cho biết việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) liên tục bị quá tải và nghẽn lệnh đã "dẫn tới việc xử lý giao dịch gặp nhiều khó khăn trong những ngày có thanh khoản tương đối cao". 

MSCI khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình hệ thống giao dịch của HOSE.

Tin mừng là sáng 24/6, cả lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE đều khẳng định sẽ đưa hệ thống mới do FPT thiết kế vào vận hành từ cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, giải quyết triệt để vấn đề nghẽn lệnh.

Morgan Stanley Capital International (MSCI) là tổ chức xây dựng chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới và thường xếp hạng thị trường chứng khoán của các quốc gia vào các nhóm như đã phát triển, mới nổi hoặc cận biên.

Nhiều quỹ đầu tư thụ động lớn trên thế giới đưa ra quyết định đầu tư của mình căn cứ theo xếp hạng của MSCI, ví dụ như có những quỹ chỉ rót tiền vào các cổ phiếu ở thị trường mới nổi, không đầu tư vào thị trường cận biên và ngược lại.

Pakistan có nguy cơ tụt hạng, Argentina rơi khỏi nhóm mới nổi

Thị trường chứng khoán Pakistan hiện đang ở nhóm thị trường mới nổi nhưng MSCI đang xin ý kiến của các thành viên thị trường về việc đưa Pakistan xuống nhóm cận biên trong lần xếp hạng tháng 11/2021.

Nguyên nhân là Pakistan hiện nay chỉ còn đáp ứng yêu cầu về tiếp cận thị trường, không thỏa mãn tiêu chí về quy mô và thanh khoản. 

Nếu Pakistan gia nhập nhóm thị trường cận biên, tỷ trọng của các cổ phiếu Việt Nam có thể bị giảm xuống. 

Cụ thể theo tính toán của MSCI, nếu Pakistan vào nhóm cận biên thì sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 2,3% trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index, còn tỷ trọng của Việt Nam sẽ giảm từ 31% xuống còn 30,3%.

Việt Nam vững vàng ở nhóm cận biên, Pakistan có thể bị tụt hạng - Ảnh 4.

Cơ cấu chỉ số MSCI Frontier Markets Index khi không có và giả định có Pakistan.

Với chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, 13 cổ phiếu của Pakistan có thể sẽ gia nhập mới, chiếm tỷ trọng 5,8%. Số chứng khoán của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở 34, tỷ trọng vốn hóa tăng từ 31% lên 31,4%. 

Trong top 10 cổ phiếu quan trọng nhất của chỉ số dự kiến vẫn sẽ có ba cái tên của Việt Nam là Vingroup (tỷ trọng 4,7%), Hòa Phát (4,4%) và Vinamilk (2,9%).

Trong một diễn biến khác, thị trường chứng khoán Argentina bị đẩy từ nhóm thị trường mới nổi vào nhóm thị trường độc lập. 

"Từ tháng 9/2019 đến nay, các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài bị Argentina kiểm soát dòng vốn trên thị trường chứng khoán", ông Craig Feldman, Giám đốc nghiên cứu quản lý chỉ số của MSCI nhận định.

Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt kéo dài này không phù hợp với tiêu chí tiếp cận thị trường của chỉ số MSCI mới nổi (MSCI Emerging Markets Index). Vì vậy, "Argentina bị chuyển xuống nhóm thị trường độc lập", ông Feldman nói thêm.

Các thị trường đang ở nhóm độc lập bao gồm Panama, Lebanon, Palestine, Ukraine, Botswana và Zimbabwe.

Bloomberg trích dẫn ước tính của JPMorgan Chase cho biết quyết định của MSCI sẽ khiến cho dòng vốn trị giá khoảng 610 triệu USD rút khỏi ba công ty còn lại trong chỉ số MSCI Argentina index. Vì Argentina rơi vào nhóm độc lập chứ không phải cận biên nên sẽ không có dòng vốn mới nào chảy vào để bù đắp tác động của dòng vốn rút ra, JPMorgan nhận định.

Argentina thắt chặt biện pháp kiểm soát vốn và ngoại hối kể từ khi Tổng thống Alberto Fernandez lên cầm quyền vào cuối năm 2019. Năm ngoái, quốc gia Nam Mỹ này tái cấu trúc các khoản nợ nước ngoài trị giá 65 tỷ USD. Hiện nay, Argentina vẫn chưa được tham gia thị trường vay nợ quốc tế và đang nỗ lực không để dòng USD chảy ra ngoài.

Song Ngọc