Việt Nam sẽ sớm có hướng dẫn thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người
Đó là một trong những nội dung được đề cập tới trong Hội thảo Triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng kí, sử dụng vắc xin CD-19 tại Việt Nam diễn ra trong ngày hôm nay 22/7.
Hội thảo đã đưa ra những cơ chế, chính sách, và qui định phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng cũng như cấp phép đăng kí và sử dụng vắc xin trong thời gian sớm nhất giúp phòng chống đại dịch COVID-19 mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vắc xin đối với người tình nguyện tham gia nghiên cứu cũng như người sử dụng vắc xin sau này.
Hiện nay có 4 nhà sản xuất trong nước bao gồm VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đều đang trong quá trình nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19. Bên cạnh đó, nước ta là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lí vắc xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Do đó nếu thành công vắc xin COVID-19 trong nước có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới.
Về tình hình phát triển vắc xin COVID-19 trên thế giới, đại diện tổ chức PATH (Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận Vắc xin), cho biết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh COVID-19.
Các nhà sản xuất, các cơ quan nghiên cứu cũng như các quốc gia hiện đang chạy đua trong việc nghiên cứu phát triển thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh cũng như sinh phẩm chẩn đoán giúp việc phát hiện sớm, điều trị, và phòng bệnh tiến tới khống chế dịch.
Tính đến ngày 15/7, trên toàn cầu có 163 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển: 23 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng.
Phát biểu tại hội thảo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19 trong nước là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, việc sản xuất vắc xin COVID-19 sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lí, các nhà sản xuất vắc xin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, các đơn vị hỗ trợ kĩ thuật.