Việt Nam sẽ để lỡ cơ hội giá tiêu tăng vì chi phí logistics tăng cao?
Giá tiêu được dự báo tiếp tục tăng nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ
Hàng loạt yếu tố tích cực đang hiện hữu ở thị trường hồ tiêu trong thời gian tới và hứa hẹn đưa ngành tiêu thoát khỏi bóng đen khủng hoảng kéo dài nhiều năm liên tiếp. Hiện, giá tiêu đang dao động trong khoảng 74.000 - 79.000 đồng/kg, tức gấp đôi so với đầu năm.
Giá tiêu xuất khẩu trung bình trong 7 tháng đầu năm đạt khoảng 3.291 USD/tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo giá hạt tiêu thế giới sẽ được hỗ trợ do thiếu hụt nguồn cung tạm thời từ Việt Nam. Giá cước phí tăng cao và tình trạng thiếu container rỗng khiến một lượng hạt tiêu xuất khẩu vẫn đang ùn ứ tại các cảng phía Nam Việt Nam.
Một số ý kiến tỏ ra lo ngại nguồn cung hạt tiêu được bù đắp khi các nước Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Campuchia bước vào vụ thu hoạch mới vào tháng 7 và tháng 8.
Tuy nhiên, sản lượng của một số nước này được dự báo sẽ giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại Indonesia, vụ thu hoạch hạt tiêu năm nay diễn ra vào tháng 7, tháng 8, nhưng sản lượng dự kiến sẽ giảm trên 20% so với vụ mùa năm 2020.
Tại Brazil, sản lượng hạt tiêu được dự báo giảm mạnh trong năm 2021 do quốc gia này có khả năng phải đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 91 năm qua trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.
Còn tại Việt Nam, quốc gia chiếm tới một nửa nguồn cung tiêu trên toàn thế giới, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo sản lượng giảm khoảng 25% do ảnh hưởng bởi thời tiết và diện tích trồng bị co hẹp do những năm qua giá tiêu thấp, người dân bỏ vườn.
Bên cạnh nguồn cung giảm, nhu cầu tại các thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang dần tăng lên khi các nước đang nới lỏng giãn cách xã hội.
Theo số liệu của VPA, Mỹ là quốc gia nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam chiếm 22% lượng xuất khẩu của mặt hàng này. Châu Âu xếp vị trí thứ hai, sau Trung Quốc chiếm khoảng 13%.
Kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này tăng khoảng 5 - 7% trong 7 tháng đầu năm. Do đó, giá tiêu trong quý III được hỗ trợ bởi cả hai yếu tố là thị trường tiêu thụ sôi động hơn trong khi nguồn cung ở các quốc gia lớn bị co hẹp lại.
Trong 7 tháng đầu năm, giá tiêu liên tục tăng nhờ vậy mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm 1,3% nhưng kim ngạch tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 599 triệu USD, theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Chi phí logistics tăng cao có thể khiến Việt Nam mất thị trường
Mặc dù hiện tại thị trường đang có những tín hiệu tác động tích cực lên cả giá tiêu trong nước và xuất khẩu nhưng lực cản lớn vẫn đến từ chi phí logistics tăng quá cao và bất ổn.
Theo VPA, tuyến vận chuyển đường biển đến Mỹ và EU, 2 trong số 3 thị trường tiêu thụ tiêu lớn nhất Việt Nam, có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần.
Trên thực tế, thị trường Mỹ luôn luôn mua hàng với điều kiện CNF (giá đã bao gồm tiền hàng và cước phí), như vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu rủi ro khi cước tàu thay đổi.
Thời hạn ký hợp đồng giao hàng luôn luôn dao động từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp có thể chủ động về nguồn hàng nhưng với khâu vận chuyển thì ngược lại.
Tuy nhiên, cước vận chuyển đi Mỹ và EU tăng liên tục dao động 2 tuần 1 lần và mức tăng không báo trước, có những lúc lại tăng đột biến.
So với thời điểm đầu năm 2020, cước vận chuyển đi EU tăng 12-13 lần lên 11.000 USD cho 1 container 40 feet. Cước vận chuyển đi Mỹ cũng tăng 5 - 6 lần lên 13.500 USD.
VPA cho biết Mỹ và EU đã chuyển hướng qua mua tiêu từ Brazil vì chất lượng tiêu không quá chênh lệch so với tiêu Việt Nam và quan trọng nhất là chi phí vận chuyển từ Brazil tới Mỹ chỉ bằng 1/3 từ Việt Nam và từ Brazil tới EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.
"Với tình hình cước tăng liên tục và không có chiều hướng giảm như hiện nay ngành hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh ở thị trường Mỹ. VPA khẳng định nguy cơ đánh mất thị trường trọng điểm vào tay đối thủ cạnh tranh là rất lớn", VPA nhận định.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã cảnh báo diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng tiêu Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Sri Lanka, Campuchia.