|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Việt Nam ra mắt app truy vết, bảo vệ cộng đồng trước COVID-19

15:29 | 18/04/2020
Chia sẻ
Ứng dụng này sẽ giúp người dùng được thông báo khi có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.

Sáng 18/4, Bộ TTTT đã ra mắt ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19. Đây là ứng dụng mà người dân có thể cài đặt lên điện thoại để nhận biết khi có sự tiếp xúc gần với người bệnh đã được xác định nhiễm Covid-19.

"Biện pháp rất có ý nghĩa"

Bluezone hoạt động dựa trên tính năng Bluetooth Low Energy (BLE). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2 m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.

Ứng dụng Bluezone có thể nhận biết ẩn danh và thông báo cho người dùng khi có tiếp xúc gần với trường hợp F0, F1.

Ứng dụng Bluezone có thể nhận biết ẩn danh và thông báo cho người dùng khi có tiếp xúc gần với trường hợp F0, F1. Ảnh: Văn Đặng.

Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với F1).

Việt Nam ra mắt app truy vết, bảo vệ cộng đồng trước Covid-19 - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi họp trực tuyến từ Bộ TTTT. Ảnh: MIC.

"Biện pháp ứng dụng giúp người dân quản lý được tiếp xúc gần, bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu riêng tư hết sức có ý nghĩa, kịp thời cung cấp cho người dân thêm một công cụ để tự bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ cộng đồng.

Đây cũng là xu hướng chung mà nhiều nước, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang thực hiện trong việc chống dịch bệnh. Chúng ta lần này cũng là một trong những người đi đầu, khi mà nhiều nơi chưa kịp áp dụng, thậm chí là nhiều nước rất tiến bộ trong nhóm đầu ASEAN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại buổi ra mắt về công nghệ nhận biết tiếp xúc gần trên ứng dụng Bluezone.

"Chính quyền không thu thập thông tin của người dân"

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ý tưởng này ở Việt Nam được hình thành từ sớm. Bộ đã chỉ đạo 4 nhóm độc lập phát triển giải pháp và hợp tác để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, và cuối cùng lựa chọn giải pháp do Bkav phát triển.

Việt Nam ra mắt app truy vết, bảo vệ cộng đồng trước Covid-19 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chính quyền không thu thập thông tin của người dân, dữ liệu được lưu lại trên điện thoại. Ảnh: MIC.

"Phần mềm chỉ ra đúng những người tiếp xúc gần và đủ lâu, có thể lây nhiễm; tránh việc một người bị lây thì cả làng, cả khu bị cách ly", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Bộ trưởng Bộ TTTT cũng giải thích ứng dụng Bluezone không thu thập thông tin người dân, và sẽ được phát hành dạng mã nguồn mở để mọi người có thể giám sát.

"Chính quyền không thu thập thông tin của người dân, các thông tin chỉ được lưu trên điện thoại cá nhân.

Phần mềm này sẽ mang tính toàn cầu khi nó được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia được chia sẻ; các công ty và các hãng công nghệ lớn như Apple, Google sẽ cùng chung tay phát triển; và để người dân cùng giám sát phần mềm mình đang dùng có an toàn hay không", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Việt Nam ra mắt app truy vết, bảo vệ cộng đồng trước Covid-19 - Ảnh 4.

Cách hoạt động của ứng dụng Bluezone. Ảnh: Cục An toàn thông tin.

Giải thích lựa chọn sử dụng công nghệ BLE, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTTT, cho biết đã cân nhắc sử dụng công nghệ GPS và công nghệ định vị bằng trạm BTS, nhưng BLE là tối ưu cho mục đích sử dụng.

"Đây được coi là công nghệ tối ưu, giúp chúng ta kiểm soát được việc tiếp xúc gần. Từ việc kiểm soát tiếp xúc gần, khi phát hiện một ca F0, thì thay vì phải cách ly vài nghìn người thì chúng ta chỉ cần cách ly vài chục người thôi.

Các nước đã triển khai ứng dụng này như Singapore có khoảng 1 triệu người cài. Kinh nghiệm các nước đánh giá nếu như số lượng người cài khoảng 60% của dân số trưởng thành thì sẽ đạt tối ưu.

Chúng tôi ước tính ở Việt Nam nếu số lượng người cài đặt và sử dụng khoảng 30 triệu người, tức là 60% số lao động trưởng thành, chúng ta sẽ đạt con số tương đối tối ưu cho việc phát hiện những ca tiếp xúc gần với người bị bệnh", ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.

"Cách tiếp cận của Việt Nam chúng ta là ứng dụng này để bảo vệ cho chính người dùng, sau đó là bảo vệ cộng đồng. 

Nó hơi khác so với cách tiếp cận của một số nước, dù nền tảng công nghệ cũng giống nhau. Cách tiếp cận của mình là bảo vệ mình trước, sau đó đến cộng đồng, chứ không phải để cho các cơ quan chức năng truy tìm vết", ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav giải thích thêm.

Ứng dụng Bluezone đang trong quá trình đánh giá từ hai kho ứng dụng App Store và Play Store, dự kiến sẽ xuất hiện trên kho ứng dụng trong vài ngày tới.

Nhật Minh