Mở cửa ngành nào trước để phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19?
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng kịch bản phục hồi kinh tế cần tính toán đến lộ trình mở các ngành khác nhau vào thời điểm phù hợp. Mục tiêu lúc này là vừa duy trì kinh tế, vừa phòng chống dịch.
Đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS TS Tô Trung Thành cho rằng Chính phủ nên lựa chọn đúng khu vực để tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho hồi phục kinh tế. Theo ông, trong những năm gần đây, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khoảng 30% và còn lại hơn 40% là khu vực tư nhân.
Do tác động của dịch Covid-19, khu vực FDI bị ảnh hưởng nặng nề do các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi hạ nguồn và thượng nguồn của chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, khu vực này cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến dịch bệnh thế giới nên chắc chắn còn diễn biến rất phức tạp.
Khu vực tư nhân đóng góp nhiều cho GDP
Dịch COVID-19 sẽ còn làm gia tăng xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa trong vài năm gần đây. Theo đó, khu vực FDI khó trở thành đầu tàu để kéo nền kinh tế hồi phục nhanh, như vẫn là đầu tầu tăng trưởng nhiều năm gần đây).
Khu vực Nhà nước thì chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. Số liệu thống kê cho thấy ở khu vực doanh nghiệp, mặc dù DNN chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng số doanh nghiệp nhưng loại quy mô lớn chiếm đến khoảng 72% tổng số DNNN.
Những doanh nghiệp lớn cũng bị tác động nặng nề bởi Covid-19, trong khi khả năng linh hoạt thích ứng với các điều kiện khó khăn thì kém hơn các khu vực khác, theo đó, khả năng phục hồi cũng sẽ chậm hơn.
Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng góp lớn nhất đến GDP, gồm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị cá thể, hộ kinh doanh gia đình... Đặc điểm của khu vực này là quy mô rất nhỏ, lại linh hoạt hơn để thích ứng với những cú sốc.
Đồng thời, khu vực này lại ít tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thuộc khu vực FDI nên nếu dịch chấm dứt ở Việt Nam cũng sẽ ít lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh phức tạp của thế giới.
Vì vậy, theo PGS Tô Trung Thành, Chính phủ cần tập trung tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, tài chính, môi trường kinh doanh, chính sách phát triển... để thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.
“Sự hồi phục nhanh chóng của khu vực cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trở lại thu nhập của đại đa số người lao động của nền kinh tế. Hiện khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tạo 85% việc làm của cả nước. Do đó, sẽ gia tăng được cầu của nền kinh tế”, ông Thành chia sẻ.
Ở góc độ từng lĩnh vực, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng việc mở cửa dần là điều nên làm dù rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Lĩnh vực nào cần ưu tiên?
Theo ông Hiển, lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu phải ưu tiên khi có đơn hàng. Ông phân tích xuất khẩu là vấn đề chiến lược lâu dài trong thời gian tới. Sau dịch Covid-19, các nước sẽ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, Việt Nam muốn đón đầu xu hướng đó thì phải duy trì xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi mở cửa các nhà máy sản xuất cần lưu ý các quy định phòng dịch nghiêm ngặt, giảm mật độ công nhân. Ông Hiển gợi ý có thể áp dụng phương thức giãn ca, giảm mật độ công nhân.
Chuyên gia kinh tế cũng đề xuất cho mở cửa các nhà hàng, quán ăn. Điều này sẽ giúp tiêu thụ một lượng lớn nông sản, kích cầu. Ngoài ra, mở cửa hệ thống dịch vụ ăn uống sẽ giúp duy trì việc làm cho một lượng lớn lao động, nhất là lao động tự do.
Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý nếu mở các nhà hàng, quán ăn thì phải áp dụng quy định giảm mật độ bàn. Với những dịch vụ về đêm, đông người, theo ông Hiển, vẫn phải đợi thêm một thời gian nữa mới được mở cửa. “Trước kia nhà hàng có công suất 10 bàn thì nay yêu cầu chỉ sử dụng 50%. Sau một tháng sẽ tăng dần số bàn phục vụ lên”, ông Hiển nói.
Với lĩnh vực vận chuyển hành khách, hàng hóa, ông Hiển nhấn mạnh phải nhanh chóng mở lại để duy trì sự giao thương các nơi. Chính phủ có thể trợ cấp cho doanh nghiệp để giảm số ghế xuống. Ví dụ, trước kia, một xe khách chở 50 người thì nay chỉ tiếp nhận 60%.
Với du lịch, ông Hiển cho rằng cần phải căn cứ vào tình hình từng địa phương. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành một lộ trình cho từng địa phương, để khi họ căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể mở lại. Ông lưu ý các địa phương cần lưu ý khuyến khích hoạt động du lịch trở lại sau dịch.
“Nên nên quá lo lắng mà nên mạnh dạn. Bởi nếu mở lại chưa chắc du lịch đã đông khách được ngay. Khách vắng là điều tốt để giãn cách xã hội”, ông Hiển nhận định.
Trong khi đó, PGS Tô Trung Thành nhấn mạnh đối với các ngành có liên quan đến hội nhập toàn cầu như du lịch, vận tải hàng không quốc tế, hay những ngành công nghiệp chế biến chế tạo tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu thì việc mở cửa trở lại và phục hồi sản xuất còn phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch bệnh của thế giới.
Vì vậy, những ngành này cần được tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo thanh khoản và thậm chí giải cứu để đảm bảo khả năng thanh toán nếu cả nước vẫn còn dịch cũng như dịch trên thế giới còn phức tạp.
Một số ngành còn lại như nông nghiệp, xây dựng, bán buôn bán lẻ, thông tin truyền thông.... chủ yếu dựa vào cầu trong nước thì cần được mở cửa trước và tạo các điều kiện về cơ chế, tài chính, môi trường thể chế mạnh mẽ để giúp hồi phục nhanh chóng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/