|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất vào Mỹ

15:00 | 20/04/2024
Chia sẻ
Nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ, một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới đang tăng trở lại sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp lớn nhất với thị phần chiếm đến 79% dung lượng thị trường.

Tiêu Việt chiếm 79% thị phần tại Mỹ

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu số một của Việt Nam trong quý I với khối lượng đạt 15.272 tấn, trị giá 28,6 triệu USD, tăng gần 30% về lượng và 38,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của thị trường này trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam đã tăng từ 15,4% lên gần 27%.

Còn theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC), nhập nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 14.152 tấn, trị giá 66 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC 

Trong đó, trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 11.107 tấn, trị giá hơn 51 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và tăng 16% về trị giá so với cùng kỳ. Với kết quả này, Việt Nam đang chiếm đến 79% tổng lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Mỹ và vượt xa các nhà cung cấp khác.

Tiếp đến là Ấn Độ đạt 1.039 tấn, tăng nhẹ 2,5% và chiếm 7% thị phần; Indonesia đạt 909 tấn, tăng 181% và chiếm 6%; Brazil đạt 694 tấn, tăng 10,9% và chiếm 5%…

Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Mỹ đạt 4.599 USD/tấn, cao hơn so với 4.529 USD/tấn của Indonesia và 4.304 USD/tấn của Brazil, nhưng thấp hơn mức 4.988 USD/tấn của Ấn Độ.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ USITC  

Trước đó, năm 2023 nhập khẩu hồ tiêu của Mỹ đã giảm 21,2% xuống chỉ còn chỉ còn 69.052 tấn, mức thấp nhất 9 năm. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng mức giảm trên là do ảnh hưởng của nền kinh tế suy yếu, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu.

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 3 vẫn mạnh hơn dự kiến, điều này có thể làm trì hoãn kế hoạch điều chỉnh chính sách của Fed. Dù vậy, lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm trong năm nay.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2024 lên 2,7% so với mức 2,1% trong dự báo đưa ra hồi tháng 1, do việc làm và chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn dự kiến. 

Kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn được cho là sẽ thúc tiêu dùng và nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong thời gian tới. Đặc biệt là khi tồn kho tại Mỹ đang ở mức thấp sau 2 năm giảm nhập khẩu liên tiếp.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), gần đây, dưới sự thúc đẩy của ASTA, FDA Hoa Kỳ đã liên tục công bố một số MRLs được thiết lập đối với mặt hàng gia vị, đa phần là các hoạt chất bị phát hiện với tầng suất cao có trong hồ tiêu.

phương diện tích cực, điều này góp phần giúp các doanh nghiệp xuất khẩu xác định rõ ràng hơn về quy định của Mỹ, nhà sản xuất hồ tiêu Việt Nam có thể đưa ra phương thức canh tác phù hợp hơn để đáp ứng thị trường này.

VPSA cho biết sẽ tiếp tục làm việc với ASTA để phối hợp đề xuất bổ sung MRLs được thiết lập đối với hoạt chất xuất hiện nhiều trên hồ tiêu và gia vị khác trong thời gian tới.

Nhu cầu từ thị trường Mỹ tăng trở lại, trong khi sản lượng sụt giảm ở Việt Nam và các nước sản xuất khác đã đẩy giá tiêu tăng cao trong những tháng đầu năm. Tại trong nước, tính đến phiên giao dịch ngày 19/4, giá tiêu đen dao động trong khoảng 92.000 – 95.000 đồng/kg, tăng 13 – 16% so với cuối năm ngoái. 

Cần thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào ngành gia vị Việt Nam

Trong văn bản gửi Chính phủ, mới đây, VPSA cho biết hiện Việt Nam vẫn đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên trong bối cảnh có sự cạnh tranh và biến đng thị thị trường thuận lợi cho các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng nên diện tích và sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang bị giảm.

Ngoài ra, VPSA mong muốn cơ quan nhà nước hỗ trợ vận động đối tác nước ngoài xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Hiệp hội cho biết Tập đoàn toàn cầu McCormick (Mỹ) hiện đầu tư tại nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Đây đồng thời là nhà nhập khẩu gia vị lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa có mở rộng đầu tư tại Việt Nam mặc dù là đối tác nhập khẩu nhiều hồ tiêu nhất.

Ngoài ra, cũng còn có một số tập đoàn lớn khác có công nghệ, vốn, đầu tư trong ngành chế biến gia vị như Fuch của Đức, BC Foods và Symríse của Mỹ, AB World Foods của Anh, Paulig Group của Phần Lan cũng cần quan tâm, xem xét mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 

Hiện toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu.

VPSA cho rằng Nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư R&D để dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới.

Hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới là nước cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp.

Hoàng Hiệp