|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vị trí số 1 thế giới của hồ tiêu Việt Nam đang bị đe doạ bởi Brazil

19:30 | 02/04/2024
Chia sẻ
Sản lượng hồ tiêu Việt Nam suy giảm người dân chuyển sang trồng các loại cây khác và tác động bởi thời tiết. Trong khi đó, sản lượng của Brazil đang có xu hướng tăng lên. Điều này đang gây sức ép lên vị trí số 1 của Việt Nam trên thị trường hồ tiêu thế giới.

Trong văn bản gửi Chính phủ, mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu - Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết hiện Việt Nam vẫn đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu.  Tuy nhiên trong bối cảnh có sự cạnh tranh và biến động thị trường thuận lợi cho các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng nên diện tích và sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang bị giảm. 

Hiệp hội cho biết sản lượng tiêu năm nay dự kiến giảm 10% xuống khoảng 170 nghìn tấn so với năm ngoái, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. 

Cơ quan này lo ngại mức độ cạnh tranh từ các nước đối thủ sẽ ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt là Brazil. Theo đó, nước này có sự bứt phá trong 5 năm gần đây từ mức 80 nghìn tấn năm 2018 hiện sự báo có thể đạt 100 nghìn tấn năm 2024. Xuất khẩu của nước này đạt 80 nghìn tấn năm 2023. 

“Vì vậy mọi nỗ lực và hỗ trợ cần được tập trung cho cây hồ tiêu để đảm bảo giữ diện tích và sản lượng ổn định, Việt Nam tiếp tục giữ thế chủ động, có vai trò điều tiết giá thị trường thế giới như hiện nay”, VPSA cho biết. 

Ngoài ra, VPSA mong muốn cơ quan nhà nước hỗ trợ vận động đối tác nước ngoài tác xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Hiệp hội cho biết tập đoàn toàn cầu McCormick (Mỹ) hiện đầu tư tại nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Đây đồng thời là nhà nhập khẩu lớn gia vị lớn nhất của Mỹ. Năm 2023, Mỹ nhập khẩu 54 nghìn tấn hồ tiêu của Việt Nam, chiếm 20,5% tỷ trọng xuất khẩu đi các thị trường. Trong đó McCormick nhập khẩu 3,5 nghìn tấn. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa có mở rộng đầu tư tại Việt Nam mặc dù là đối tác nhập khẩu nhiều hồ tiêu nhất. Công ty này hiện mới chỉ dừng lại việc là đối tác và chọn lựa một số công ty lớn để cung cấp hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ngoài ra, cũng còn có một số tập đoàn lớn khác có công nghệ, vốn, đầu tư trong ngành chế biến gia vị như Fuch của Đức, BC Foods và Symríse của Mỹ, AB World Foods của Anh, Paulig Group của Phần Lan cũng cần quan tâm, xem xét mở rộng đầu tư tại Việt Nam. 

Hiện toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu. 

VPSA cho rằng Nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư R&D để dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới.

Hiện Việt Nam đứng thứ 3 thế giới là nước cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc tuy nhiên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng chế biến thấp. 

H.Mĩ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.