|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lực mua từ Trung Quốc yếu, giá tiêu quay đầu giảm

07:17 | 12/04/2024
Chia sẻ
Nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch 2023-2024 trong khi nhu cầu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm đang gây sức ép lên giá tiêu.

Giá tiêu hạ nhiệt do thiếu vắng lực mua của Trung Quốc

Sau khi tăng hơn 30% trong ba tháng tính từ tháng 12/2023 đến tháng 2 năm nay, giá tiêu đen tại thị trường trong nước đã chững lại và đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tính đến phiên giao dịch ngày 10/4, giá tiêu đen tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động trong khoảng 90.000 – 91.000 đồng/kg,  giảm 2.000 – 6.000 đồng/kg (tương ứng 2 - 6%) so với cuối tháng trước.

 Hoàng Hiệp tổng hợp 

Giá tiêu giảm trong bối cảnh nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch 2023-2024. Trong khi đó, xuất khẩu hồ tiêu lại có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu vắng nhu cầu mua vào của Trung Quốc.

Thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho thấy, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 vừa qua đạt 25.579 tấn, giảm 28,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Luỹ kế đến hết quý I, Việt Nam đã xuất khẩu được 56.712 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch đạt 235,6 triệu USD, giảm 26,1% về lượng (tương ứng 20.015 tấn) và giảm 0,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái đã giảm đến 95,8%, chỉ đạt 1.083 tấn so với 25.919 tấn của cùng kỳ. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức 2.138 tấn đạt được vào quý I/2022, thời điểm Trung Quốc đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ VPSA 

 

Kết quả này khiến Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 14 về thị trường xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong quý I, chiếm 1,9% thị phần so với mức 33,8% của cùng kỳ.

Điều này trái ngược với nhiều dự báo trước đó cho rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng sau Tết Nguyên đán và đẩy giá tiêu cao hơn. 

Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường khu vực châu Phi cũng giảm 23,1%, trong đó, Ai Cập giảm 9,7% đạt 1.389 tấn và Senegal giảm 38,0% đạt 588 tấn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường chủ lực khác đang khởi sắc trở lại sau khi sụt giảm vào năm ngoái.

Đơn cử như thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu hồ tiêu số một của Việt Nam trong quý đầu năm đạt 15.185 tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ và chiếm 26,8% thị phần.

Ngoài ra, xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 3.793 tấn, tăng 19,6%; Hàn Quốc đạt 2.164 tấn, tăng mạnh 179,9%.

Xuất khẩu sang châu Âu cũng tăng mạnh 24,7% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 26,3% thị phần, trong đó xuất khẩu sang Đức lớn nhất tăng 113,8% đạt 3.701 tấn; Hà Lan tăng 76,9% đạt 2.598 tấn; xuất khẩu cũng tăng ở Nga (25,1%); Pháp (8%); Tây Ban Nha (32,3%), Italy (203,6%)…

Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong quý I đạt 3.966 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.552 USD/tấn, tăng lần lượt 562 USD/tấn và 593 USD/tấn so với cùng kỳ 2023.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ VPSA 

Giá tiêu vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian tới?

Mặc dù đang có sự điều chỉnh giảm nhưng giá tiêu được cho là vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá tiêu tại các nước sản xuất sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tăng, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không đủ bù đắp cho lượng xuất khẩu giảm từ Việt Nam.

Hiện người tiêu dùng trên thế giới sẵn sàng trả giá cao cho hạt tiêu chất lượng cao. Trong đó, các thị trường Mỹ, EU, Trung Đông... gia tăng nhu cầu nhập các sản phẩm đáp ứng tính bền vững về các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, tại những nước có sản lượng hạt tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, Việt Nam bước vào mùa, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm. 

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), đầu cơ là nguyên nhân chính dẫn đến giá hồ tiêu tăng “nóng”. Vụ thu hoạch của Việt Nam đang vào chính vụ nên hiện tượng găm hàng đẩy giá lên cao sẽ không có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giá tiêu được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Năm nay thu hoạch sớm do thời tiết nắng nóng đến sớm vì El Nino, dự kiến cuối tháng 3 sẽ kết thúc thu hoạch. Sản lượng thu được thực tế thấp hơn dự kiến của VPSA, ước chỉ được 140-150 nghìn tấn.

Theo VPSA, Việt Nam cung cấp khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu, nhưng do diện tích suy giảm mạnh, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.          

Còn theo nhận định của Nedspice Group, quy mô và thời điểm của nhu cầu xuất khẩu mới ở Việt Nam sẽ quyết định xu hướng giá trong những tháng tới, đặc biệt là Trung Quốc có vai trò quan trọng.

Nedspice Group dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt khoảng 465.000 tấn trong năm 2024, giảm 6.000 tấn so với năm trước. Bên cạnh đó, tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến ở mức 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Điều này khiến cho lượng tồn kho sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Sản lượng thu hoạch của Việt Nam trong năm nay ​theo Nedspice vào khoảng 157.000 tấn, giảm 15% so với năm trước. Những năm gần đây, việc trồng tiêu mới ở Việt Nam rất ít và nhiều cây già cỗi. Đồng thời diện tích cây hồ tiêu cũng bị thu hẹp và thay thế bằng các loại cây trồng mang lại thu nhập tốt hơn như sầu riêng. 

Nedspice cho rằng giá tiêu tăng sẽ khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất, thúc đẩy năng suất trồng tiêu trong những năm tới. Tuy nhiên, việc trồng mới sẽ mất thời gian để cho thu hoạch nên sản lượng khó có thể phục hồi sớm.

Doanh nghiệp FDI đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam

Theo số liệu của VPSA, các doanh nghiệp thuộc VPSA chiếm đến gần 90% tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam trong quý I với khối lượng đạt 50.918 tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Ngược lại, các doanh nghiệp ngoài VPSA chỉ xuất khẩu 5.794 tấn, giảm mạnh 82,5% và chiếm 10,2%.

Hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Olam Việt Nam và Nedspice Việt Nam lần lượt xếp vị trí dẫn đầu và thứ 2 trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam.

Trong quý I, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Olam Việt Nam tăng mạnh 50,4% lên 5.792 tấn. Tương tự, Nedspice Việt Nam cũng tăng 24,5%, đạt 5.245 tấn.

Các doanh nghiệp Việt Nam xếp ở các vị trí tiếp theo gồm Trân Châu và Phúc Sinh, với khối lượng giảm lần lượt là 27,5% và 4,7%...

Một số doanh nghiệp cho biết, ngoài gánh nặng chi phí nguyên liệu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu còn chịu ảnh hưởng lớn từ giá cước vận tải ở mức cao do căng thẳng khu vực Biển Đỏ leo thang, nhất là tuyến đường sang EU - nơi tiêu thụ 20% lượng tiêu của Việt Nam. 

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ VPSA

 

Hoàng Hiệp

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.