Việt Nam có thể xuất siêu trên 2 tỷ USD trong năm 2018
Việt Nam xuất siêu 1,8 tỉ USD mặt hàng rau quả trong 9 tháng đầu năm |
Tại cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tăng 11,2%, cao hơn so với chỉ tiêu 10% của Quốc hội giao cho Bộ. Về cán cân thương mại, dự kiến Việt Nam có thể xuất siêu trên 2 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng trưởng trên 10%”.
Việt Nam có thể xuất siêu trên 2 tỷ USD trong năm 2018 |
Thứ trưởng cho hay kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm tỷ trọng khoảng 71% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong 9 tháng, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%.
Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là gạo ước đạt 4,93 triệu tấn, trị giá 2,48 tỷ USD, tăng 7,6% về lượng và 22,1% về giá trị. Rau đạt 3,02 tỷ USD, tăng 15,2%. Ngoài ra, thủy sản cũng có mức tăng trưởng dương, ước đạt 6,38 tỷ USD, tăng 6,9%.
Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 2,8 tỷ USD, giảm 16,4% (lượng tăng 19,6%); hạt điều đạt 2,5 tỷ USD, giảm 0,7% (lượng tăng 5,8%), hạt tiêu đạt 636 triệu USD, giảm 34,1% (lượng tăng 7,1%).
Riêng dầu thô tính chung 9 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,5%: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 1,7 tỷ USD, giảm 24,6% (lượng giảm 45,2%).
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 34,9 tỷ USD, tăng mạnh 12,5%, cao hơn 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục cho hayđây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 46%; giày dép tăng 12,9%; hàng dệt may tăng 11,9%.
Tiếp đến là EU đạt 31,1 tỷ USD, tăng 9,6%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25%; hàng dệt may tăng 13,1%; điện thoại và linh kiện tăng 7,7%. Trung Quốc đạt 28,1 tỷ USD, tăng 26,6%, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 121,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,7%; rau quả tăng 12,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý III đạt 62,70 tỷ USD, tăng 16%. Tính chung 9 tháng ước tính đạt 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2018 tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD.