|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có đường sắt tốc độ cao vào năm 2050?

21:34 | 12/09/2016
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự kiến đến 2050 cơ bản hoàn thành xong tuyến đường sắt tốc độ cao.
viet nam co duong sat toc do cao vao nam 2050

Dự kiến đến 2050 cơ bản hoàn thành xong tuyến đường sắt tốc độ cao

Chiều 12/9, Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 3, cho ý kiến vào Dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Trình bày tờ trình Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, Luật đường sắt (sửa đổi) quy định theo hướng, Nhà nước đóng vai trò chính trong việc đầu tư xây dựng, tổ chức quản lý, bảo trì và khai thác, kinh doanh đường sắt tốc độ cao, nhằm kết nối hiệu quả các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải khác. Dự thảo cũng nhấn mạnh, hành lang an toàn của đường sắt tốc độ cao phải được bảo vệ nghiêm ngặt, chống mọi hành vi xâm nhập trái phép của người, phương tiện, súc vật....

Đại diện cơ quan thẩm tra Luật - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, vận tải đường sắt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, đóng góp to lớn trong xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, đến nay giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập như: Kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường đơn khổ rộng 1 mét trên thế giới hầu như không dùng; hệ thống tín hiệu nhiều thế hệ, năng lực thông qua thấp; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng... Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp.

viet nam co duong sat toc do cao vao nam 2050

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trình bày tờ trình về Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) trước Thường vụ Quốc hội

Thừa nhận thực tế thị phần vận tải hàng hoá và hành khách của đường sắt so với các lĩnh vực khác giảm, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng một phần nguyên nhân là do mô hình cơ cấu, tổ chức giao cho tất cả Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, cả hạ tầng và đơn vị vận tải nên bối cảnh cạnh tranh còn hạn chế. Hơn nữa, kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác rất hạn chế, trước kia có nhiều đường sắt nối vào các cảng nhưng nay chỉ còn 3 điểm kết nối là Cảng Hải Phòng, cảng Việt Trì và một cảng ở Ninh Bình.

Thông tin thêm về việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao mà nhiều đại biểu đề nghị đưa vào trong Luật, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2010, Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng Quốc hội chưa thông qua, yêu cầu cập nhật và làm rõ một số nội dung, đặc biệt hiệu quả dự án, phương án huy động nguồn lực, trong đó nói rõ phần nào của Nhà nước, phần nào tư nhân có thể tham gia được.

“Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi. Bộ GTVT phấn đấu năm 2018 sẽ trình lên Chính phủ để Chính phủ thẩm định lại, nếu thông qua được thì trình lên Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020 và chuẩn bị tiền đề để xây dựng đoạn thí điểm, đoạn ưu tiên sau năm 2020” – Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Theo Hoài Thu

Báo Giao thông