|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam chờ đợi Mỹ, TPP về đâu?

09:59 | 20/09/2016
Chia sẻ
Trước những băn khoăn vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới sẽ không có nội dung về TPP, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc Việt Nam chờ qua kỳ bầu cử tại Mỹ là một điều bình thường và không nên hiểu là Việt Nam từ bỏ TPP.

Báo Thanh Niên đưa tin, tại phiên họp sáng 15/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới đây sẽ không có nội dung về TPP.

viet nam cho doi my tpp ve dau
TPP dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD

Đây là thông tin được cho là khá bất ngờ vì chỉ hơn nửa tháng trước, tại buổi tiếp đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) vào ngày 25/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đã hoàn tất hồ sơ để trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn TPP vào phiên họp tháng 10.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, việc phê chuẩn TPP cần phải xem xét, căn cứ vào tình hình thực tiễn của các nước tham gia, cũng như tính đến ảnh hưởng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến TPP ra sao.

Trước thông tin này, Hãng tin Reuters bình luận, với việc không đưa nội dung TPP vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong tháng 10 cũng đồng nghĩa với việc thời gian phê chuẩn TPP của Việt Nam có thể sẽ chậm trễ vài tháng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 8/11. Tới tận 20/1/2017,Tổng thống mới của Mỹ mới chính thức nhậm chức.

Trao đổi với phóng viên Vietnambiz chiều ngày 19/9, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, Mỹ là quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khối TPP, do đó, việc Việt Nam chờ qua bầu cử Tổng thống Mỹ mới xem xét phê chuẩn là một động thái hết sức bình thường. “Không nên hiểu theo nghĩa Việt nam từ bỏ TPP”, ông Thành lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia, trước đó Việt Nam dự kiến thông qua TPP trong kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, tuy nhiên, trong khoảng này, Mỹ không thể có động thái gì với TPP do thời điểm trùng với thời gian bầu cử Tổng thống.

Trước lo ngại cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đều không ủng hộ TPP, TS Thành cho biết: “Tổng thống nhiệm kì sau của Hoa Kỳ có thể không mặn mà với TPP, tuy vậy TPP liên quan tới lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu của Mỹ, nên Quốc hội Mỹ vẫn cân nhắc. Chưa kể trong thời gian chờ chuyển giao quyền lực tới tháng 1 sang năm, Tổng thống Obama vẫn còn thời gian để thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua hiệp định này”.

Nói với Vietnambiz, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan lại cho rằng: “Việt Nam nên tự có quyết định của mình đối với vấn đề TPP và tách quyết định của mình ra khỏi bối cảnh chính trị Mỹ. Nếu thực sự thấy TPP có nhiều mặt mang lại lợi ích lâu dài đối với Việt Nam cứ nên phê chuẩn”.

Theo bà, tất nhiên các nước thành viên khác của TPP cũng mong chờ Mỹ phê chuẩn, song bản thân Việt Nam có quyền lợi đối với cả 11 quốc trong đó có Mỹ. Khi gia nhập TPP, Việt nam không chỉ quan hệ với Mỹ mà còn quan hệ với các thành viên khác nữa.

Nhiều ý kiến trái chiều về TPP

Ngày 4/8, Reuters dẫn lời Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Paul Ryan cho rằng, sẽ chẳng có lợi ích gì nếu tổ chức một cuộc bỏ phiếu về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Quốc hội Mỹ trong kỳ họp chuyển giao (lame duck) – khoảng thời gian sau bầu cử đầu tháng 11/2016 đến khi Tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức vào cuối tháng 1/2017). Bởi "chúng tôi sẽ không bỏ phiếu", ông này tuyên bố.

Các nước châu Á đón nhận "tin xấu" này khác nhau. Ông Tommy Koh, Đại sứ lưu động về đối ngoại của Singapore bình luận trên CNBC: Số phận của hiệp định TPP cho thấy bầu không khí chính trị ở Mỹ “rất độc hại”, và dường như có “nội chiến” giữa hai đảng chính trị mà đảng nào cũng đặt quyền lợi của đảng mình lên trên lợi ích quốc gia.

Trong khi đó bà Mari Pangestu, cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia, vẫn hy vọng TPP sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua sớm sau khi đã điều chỉnh một số nội dung. Và cho dù TPP có không “lọt qua” được cửa Quốc hội Mỹ, thì theo bà Pangestu, hiệp định cũng đã có tác động tích cực tới khu vực châu Á: nhiều nước đã đẩy mạnh cải cách môi trường pháp lý và kinh doanh, chống tham nhũng, tăng cường minh bạch và đề ra nhiều giải pháp bảo hộ quyền lợi người lao động.

Và theo bà Pangestu, sự phản đối TPP ở Mỹ hầu như không làm thay đổi được quan điểm của châu Á về hiệp định này.

Minh Tâm