|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Việt kiều nhắm vào phân khúc bất động sản nào?

09:19 | 13/07/2024
Chia sẻ
Theo quan sát của giới chuyên gia, có thể trong quá khứ, người Việt sau khi định cư lâu năm ở nước ngoài trở về sẽ mua bất động sản cao cấp nhưng đến thời điểm hiện tại điều này đã không còn đúng.

(Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây đã mở rộng quyền tiếp cận bất động sản đối với Việt kiều. Theo đó, Việt kiều là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không còn bị hạn chế quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay vì chỉ được phép cho thuê, ủy quyền quản lý nhà không sử dụng như trước đây.

Cụ thể, Khoản 6, Điều 4, Luật Đất đai 2024 quy định: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất.

Điểm c, Khoản 1, Điều 28 quy định: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn, đánh giá những thay đổi về luật, tạo khung pháp lý chính thống và nhiều chính sách linh hoạt hơn sẽ mở rộng cơ hội thu hút nguồn vốn từ nước ngoài vào thị trường bất động sản. Theo các thống kê, khoảng 15 - 20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này.

TS Phạm Anh Khôi chia sẻ ban đầu ông nhận định khi Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam thì họ sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp hoặc siêu cao cấp. Thế nhưng thực tế đã phản ánh điều ngược lại, hầu hết người mua các sản phẩm đắt tiền này lại là người Việt Nam.

“Có thể trong quá khứ, người Việt sau khi định cư lâu năm ở nước ngoài trở về sẽ mua bất động sản cao cấp nhưng đến thời điểm hiện tại, giá sản phẩm trung và cao cấp đã quá cao, đặc biệt tại thị trường TP HCM và nhóm Việt kiều không còn khả năng, không sẵn lòng chi trả”, ông Khôi nói.

Thay vào đó, phần lớn Việt kiều sẽ tập trung vào sản phẩm vừa túi tiền, có khả năng khai thác cho thuê bởi mục đích của họ thường là đầu tư lâu dài, có mức sinh lời 3 - 5% hoặc trên 5%, trong môi trường lãi suất tiết kiệm ở một số quốc gia như Mỹ hay Úc rất thấp (khoảng 1 - 2%/năm).

Theo quan sát của một Giám đốc công ty bất động sản có trụ sở tại TP HCM, có khoảng 70% người Việt kiều trong thời gian qua tìm mua bất động sản không hẳn để đầu tư mà muốn mua cho người thân tại Việt Nam và họ thường chọn phân khúc tầm trung 2 - 3 tỷ đồng/sản phẩm hoặc 5 tỷ đồng/sản phẩm là “quay đầu”.

Với mức giá này ở thời điểm hiện tại, ông cho rằng có rất nhiều sản phẩm để Việt kiều lựa chọn mua, quan trọng là mục tiêu của người mua như thế nào và mong muốn chọn môi trường sống như thế nào?

Tài chính 5 tỷ đồng đối với Việt kiều mua bất động sản nhằm mục đích cho thuê thì họ có thể mua nhà có sẵn ở khu vực Bình Thạnh, Thủ Đức… - những nơi đông dân cư, có thể cho thuê ngay. Tài chính 5 tỷ đồng đối người cần tích lũy thêm 2 - 3 năm rồi mới cho thuê thì họ nên chọn khu đông dân cư ở thị trường vùng ven, giáp đô thị lớn.

Các đơn vị khảo sát thị trường ghi nhận, mặt bằng giá chung cư sơ cấp trung bình tại các thành phố lớn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường TP HCM tăng 5 - 7%, dao động 3.000 - 5.000 USD/m2. Riêng một dự án nằm trên trục đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức có giá bán 5.000 - 5.400 USD/m2. 

Giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội nhìn chung không thay đổi nhiều so với quý trước, vẫn neo ở mức 2.000 - 3.500 USD/m2. Nếu xét từng khu vực thì giá bán sơ cấp các dự án phía Tây tăng khoảng 7 - 10%, còn khu Đông tăng khoảng 2 - 3%.

Ngọc Anh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.