|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Việt kiều có thể mua nhà trong nước thuận lợi hơn

03:04 | 29/01/2024
Chia sẻ
Luật Đất đai 2024 giúp Việt kiều (người định cư ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam) mua nhà trong nước thuận lợi hơn, tránh việc phải nhờ người thân đứng tên hộ.

Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong đó, có nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài.

Tại điều 4, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Trong luật mới, điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM đánh giá các quy định trong luật Đất đai mới, cùng luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ năm 2025 tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi hơn.

Ông lý giải, theo pháp luật hiện hành, Việt kiều được phép mua nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, luật sư Hậu nói rằng cái khó là các thủ tục, giấy tờ để chứng minh nguồn gốc Việt Nam phức tạp đã khiến Việt kiều nản lòng.

Vì vậy, nhiều Việt kiều đã lựa chọn giải pháp nhờ người thân đứng tên khi mua bất động sản trong nước. Điều này cũng đã dẫn đến tranh chấp, kiện tụng với một số trường hợp khi trong gia đình có vấn đề hoặc biến cố xảy ra. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư cũng bối rối khi không biết dự án của mình có được phép bán cho Việt kiều hay không, bởi việc này cần được các cơ quan quản lý phê duyệt.

Ông Hậu cho rằng quy định rõ ràng tại Luật Đất đai 2024 sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn.

Một số đơn vị phân tích cũng đánh giá quy định mới có thể thu hút thêm nguồn kiều hối chảy vào bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Tại một hội thảo về mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều năm 2023, ông Peter Hồng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết rất nhiều kiều bào muốn về nước định cư, đầu tư nhưng không biết được sở hữu bất động sản thế nào.

Theo ông, có khoảng 5,5 triệu người Việt ở nước ngoài và hơn 1 triệu thế hệ F2, F3 có bố, mẹ hoặc ông, bà là người Việt Nam. Trong số này hơn 20% đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, gắn bó với nguồn cội trong những năm cuối đời. Còn một khảo sát của Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM (HREC) cho thấy khoảng 3 triệu Việt kiều có nhu cầu sở hữu bất động sản khi trở về Việt Nam sinh sống, trong đó đa số chọn TP HCM.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước TP HCM, lượng kiều hối chảy về thành phố này năm ngoái cao kỷ lục với 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022 và chiếm hơn một nửa lượng kiều hối trên cả nước. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Anh Tú

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.