|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tuổi mua nhà trung bình của người Việt ngày càng trẻ

15:47 | 26/12/2023
Chia sẻ
Các khảo sát gần đây cho thấy những người trẻ từ 22 đến dưới 39 tuổi đang trở thành nhóm khách hàng có nhu cầu mua nhà chủ lực, thay thế nhóm trung lưu trên 40.

Một khảo sát của Tập đoàn Propery Guru (chủ quản trang Batdongsan) mới đây về tâm lý người dùng bất động sản được thực hiện trên 2.000 người, chỉ ra nhóm khách hàng chủ lực của thị trường đang có sự "đảo chiều" về độ tuổi. Theo đó, người trẻ từ 27-40 tuổi có nhu cầu tìm mua bất động sản nhiều nhất năm 2023, thay thế nhóm tuổi từ 42-55 ở hai năm trước.

Cụ thể, ở nhóm tuổi từ 27-30, nhu cầu tìm mua bất động sản từ mức 39% năm 2021 tăng lên hơn 42% năm nay. Nhóm tuổi 32-40, nhu cầu tìm mua nhà chiếm khoảng 24% trong khi nhóm tuổi trên 42 trở lên lại có sự suy giảm, từ 22,3% năm 2021 hiện còn khoảng 15,3% tổng số lượng khách hàng tìm kiếm nhà đất năm nay.

Bất động sản khu Đông TP HCM, với các căn hộ chung cư, dự án đất nền, nhà phố; TP Thủ Đức, tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần

Báo cáo cho rằng, nhu cầu tìm và sở hữu bất động sản trong nhóm người trẻ thuộc thế hệ Gen Z (nhóm tuổi từ 22-26) cũng đang có sự tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2021, nhóm khách này chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng số lượng khách hàng tìm kiếm bất động sản, con số này tăng lên 19% trong năm 2022 và duy trì mức 18,7% năm 2023 bất chấp tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Không chỉ có nhu cầu, người trẻ cũng ngày càng tự chủ về tài chính. Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược Batdongsan, cho biết 60% khách hàng độ tuổi dưới 30 có nhu cầu mua nhà, khẳng định khả năng tài chính đủ sở hữu ít nhất một bất động sản.

"Trong khi đó, nhóm khách hàng có tuổi trên 30, tuy số lượng không cần dùng đòn bẩy tài chính chiếm 32%, nhưng một khi cần đi vay, hơn 35% trong nhóm này phải vay ít nhất từ 30-70% giá trị tài sản", ông Long nói thêm.

Chia sẻ về xu hướng lựa chọn bất động sản của người trẻ, ông Long cho biết khác với những người độ tuổi trung niên, nhóm này mua nhà ưu tiên sự linh hoạt về chỗ ở để có trải nghiệm và cơ hội tốt hơn. Họ không ngại di chuyển xa và thay đổi môi trường sống, làm việc.

"Ở những thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, 43% nhóm khách mua nhà trẻ tuổi thích thú với việc thay đổi môi trường sống. Nhóm này cũng ưu tiên lựa chọn các bất động sản có tiêu chí cao về không gian xanh và yếu tố hiện đại", ông cho hay.

Còn theo Savills Việt Nam, TP HCM và các đô thị vệ tinh đang trở thành điểm đến của một số lượng lớn người trẻ thuộc nhóm lao động có trình độ từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với dân số hơn 10 triệu người của TP HCM và 55% dân số trong độ tuổi trẻ, có khoảng 30% dân số trong nhóm này có nhu cầu mua nhà. Từ những con số trên cho thấy rõ nguồn cầu từ nhóm khách hàng này với bất động sản là rất lớn.

Bà Giang Huỳnh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills TP HCM, nhận định độ tuổi từ 25 đến 35 hiện là nhóm có khả năng thu nhập tốt để mua nhà. Đối với nhóm này, việc sở hữu một căn nhà đòi hỏi thu nhập và số dư nhất định, họ không ngại sử dụng đòn bẩy tài chính để hiện thực hóa khả năng sở hữu bất động sản nhưng cũng thận trọng hơn trong bài toán đi vay. Dòng sản phẩm được người trẻ nhắm đến là căn hộ chung cư, diện tích từ 50-70 m2 ở các khu vực ngoại ô.

"Nếu không nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu mà một người trẻ cần có để mua nhà tại TP HCM là từ 30-45 triệu đồng hàng tháng. Đây được coi là mức có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm lãi ngân hàng. Tuy nhiên con số này sẽ thấp hơn 20-30 triệu đồng với lựa chọn nhà ở tại các đô thị vệ tinh. Đây là mức thu nhập mà nhiều người trẻ hiện nay có thể đáp ứng", bà Giang cho hay.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, giai đoạn 2025-2027, quy mô GDP Việt Nam dự báo xếp thứ 3 trong khối ASEAN-6. Xét về GDP bình quân trong khu vực, năm 2023, Việt Nam đạt khoảng 4.682 USD, xếp thứ 6/10 các quốc gia trong khối. Đến năm 2024, GDP bình quân Việt Nam sẽ vượt mốc 5.000 USD. Trong khi đó, lực lượng lao động chính của Việt Nam đang tập trung vào nhóm độ tuổi từ 22-35, thu nhập từ nhóm người trẻ cũng được dự báo gia tăng nhanh hơn các thế hệ trước.

Ông Ngô Đình Đức, Phó chủ tịch Hội Thành viên độc lập Hội đồng quản trị doanh nghiệp Việt Nam, nhìn nhận thế hệ lao động trẻ hiện nay đã sớm biết tận dụng sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đổi mới về sáng tạo để nắm bắt cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập so với thế hệ trước.

Theo ông, nhóm này có khả năng tiếp nhận những thay đổi nhanh và sự sáng tạo cũng như những kiến thức mới về AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ cơ sở dữ liệu khối) hay sáng tạo nội dung, kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Từ đó, họ kiếm được mức lương ngang bằng hoặc hơn so với những thế hệ trước phải làm lâu năm mới có được. Nhờ vậy khả năng sở hữu và tích lũy tài sản của nhóm lao động này cũng ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên người trẻ cũng gặp nhiều khó khăn trong giao dịch bất động sản như thiếu kiến thức về thị trường, khả năng đánh giá quy hoạch và hiểu biết về pháp lý cũng như gặp khó trong việc lựa chọn một đơn vị môi giới có trình độ.

Nguyên Tiêu

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.