|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người dân có vay tiền mua nhà nhiều hơn trong năm 2024?

15:49 | 12/01/2024
Chia sẻ
Người dân gần như không vay tiền mua nhà, sửa chữa nhà trong năm qua dù có nhiều giải pháp để kích cầu. Sang năm 2024, dư nợ cho vay mua nhà dự báo khó bật tăng.

(Ảnh minh họa: Ngọc Anh).

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỷ đồng (chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế), tăng 6,75% so cuối 2022.  

Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 36%, tăng 22% so với cuối năm ngoái. Còn tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm 64%, giảm 0,7%. Đây cũng là năm đầu tiên trong 3 năm qua chứng kiến cầu tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm, điều này phản ánh sức mua của thị trường địa ốc ở mức yếu.

Xét theo tỷ trọng nói trên, đến cuối tháng 10, khoản tín dụng mà các ngân hàng cấp cho các chủ đầu tư dự án đạt xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2022, cả tỷ trọng và quy mô của phân khúc này đều tăng mạnh. Còn tín dụng cho khách hàng vay mua nhà, sửa chữa nhà đạt khoảng 1,76 triệu tỷ đồng (cuối năm 2022 khoảng gần 1,78 triệu tỷ).

(Nguồn: SBV, H.L tổng hợp).

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra nhận định, mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm khoảng 3% trong năm 2023 nhưng dư nợ cho vay mua nhà sẽ khó hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024.

Nguyên nhân là do giá nhà ở Hà Nội và TP HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022 - 2023.

Trong khi đó, số lượng căn chung cư và thấp tầng mở bán trong năm 2024 dự kiến lần lượt là 33.851 căn và 5.030 căn, tăng gấp đôi so với năm 2023, nhưng vẫn thấp so với mức trước Covid (khoảng 77.000 căn và 6.800 căn).

Quan trọng hơn là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.

Theo đó, nhóm phân tích cho rằng ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết tín dụng cho bất động sản thường chiếm 1/5 tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, cho vay mua nhà, sửa nhà chiếm 2/3 nhưng năm nay có xu hướng giảm vì người dân gần như không vay tiền cho mục đích này dù có nhiều giải pháp để kích cầu.

Chuyên gia kỳ vọng sang năm 2024, khi lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm, thị trường bất động sản dần phục hồi và người dân sẽ vay tiền mua nhà, sửa chữa nhà nhiều hơn, lúc này sức cầu mới bật tăng.

“Hiện nay, tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm khoảng 14% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và vẫn còn nhiều dư địa để cho vay, bởi tỷ trọng này ở các nước mới nổi thường chiếm 20 - 25% tổng dư nợ tín dụng”, vị này nói.

Còn theo TS. Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), mức lãi suất cho vay hiện nay vẫn dao động trong khoảng 10 – 12% vẫn chưa phải là mức lãi suất hấp dẫn, theo đánh giá của nhiều khách hàng vay mua nhà. Mặc dù lãi suất năm đầu tiên (lãi suất ưu đãi) đã giảm còn khoảng 6 – 7% nhưng lãi suất thực tế thả nổi đang còn rất cao. 

Ông Khôi đánh giá, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp chính sách kích cầu người dân vay vốn ngân hàng để thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa có sự khả quan.

“Để giải quyết vấn đề này tôi nghĩ niềm tin rất quan trọng. Mà nhắc tới niềm tin là nhắc tới tính thanh khoản của thị trường, trong khi đó thanh khoản hiện nay đang ở mức gần thấp nhất trong lịch sử.

Năm 2024 các nhà đầu tư vẫn khó tìm được kênh đầu tư thay cho kênh tiết kiệm nên nhiều khả năng họ vẫn chấp nhận mức lãi suất tiền gửi thấp. Chỉ khi nào thanh khoản của thị trường bất động sản được cải thiện thì lúc đó mới kỳ vọng niềm tin của người mua quay trở lại”, chuyên gia nhận định.  

Hà Lê