|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Việc xử lý ông Đinh La Thăng thực sự rất được lòng dân'

20:55 | 08/12/2017
Chia sẻ
Người dân bày tỏ sự đồng tình đối với hình thức kỷ luật ông Đinh La Thăng, cho rằng việc cho thôi Đại biểu Quốc hội đối với ông đem lại niềm tin cho dân.
viec xu ly ong dinh la thang thuc su rat duoc long dan Công an đang phong tỏa khu vực nhà ông Đinh La Thăng
viec xu ly ong dinh la thang thuc su rat duoc long dan Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng
viec xu ly ong dinh la thang thuc su rat duoc long dan Ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh bị bắt vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước

Ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (sau này là Hội đồng thành viên) Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).

viec xu ly ong dinh la thang thuc su rat duoc long dan
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Trước sự việc, Nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hơn 70 năm tuổi Đảng cho biết, ông cũng như nhiều Đảng viên lão thành rất đồng tình với những hình thức kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.

Theo ông Nam, cho thôi Đại biểu Quốc hội thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng chống tham nhũng, đem lại niềm tin cho người dân.

Ông Giang Nam cho biết: “Đúng là nghiêm trọng đấy, bãi miễn đại biểu Quốc hội, dân sẽ ủng hộ. Đó cũng là bài học cho anh em khác, khi có quyền lực trong tay hết sức cẩn thận. Bài học lớn lắm, đem lại niềm tin cho đảng viên thế hệ chúng tôi. Đây là áp dụng những điều mà ta đã hứa với dân, nhất định bài trừ tham nhũng, bài trừ lợi dụng quyền lực. Những chuyện cũ đối với cá nhân Đinh La Thăng sẽ còn những việc phía sau nữa.”

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Dung, đảng viên ở Quận 8, TP.HCM nhận xét: “Quyết định này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khiến chúng tôi tăng thêm niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta”.

Bà Dung cho biết thêm: “Điều này đã khẳng định rằng, những cán bộ đảng viên dù ở cương vị nào, là ủy viên Bộ Chính trị, hay ủy viên TW Đảng, hoặc đứng đầu một bộ, ban, ngành nhưng làm trái quy định của chỉ đạo, điều hành không đúng, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân thì cần phải xử lý thích đáng”.

Bà Dung cho rằng: “Không chỉ có một cá nhân ông Đinh La Thăng mà cả những người liên quan đến các vụ việc này cũng cần điều tra làm rõ và đưa ra nghiêm trị trước pháp luật”.

Liên quan đến vụ việc của ông Đinh La Thăng, nhiều ý kiến của cử tri, cán bộ, đảng viên tỉnh Điện Biên cho rằng, Đại biểu Quốc hội phải đại diện cho ý kiến của nhân dân, phải đủ phẩm chất đạo đức, thật sự trong sạch. Do đó đều tỏ ra đồng tình, nhất trí với việc Quốc hội bãi nhiệm tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Đây là một chủ trương hết sức đúng, kiên quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Bởi vì những người là đại diện của dân không chỉ là với địa phương bầu ra ông Đinh La Thăng mà còn là cử tri cả nước.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương đã kiên quyết việc thực hiện phòng chống tham nhũng và chúng ta đã loại dần được cái cụm từ đó là “vùng cấm đối với cán bộ cấp cao”

Còn ông Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên cho rằng: Trong thời gian qua, Đảng ta rất kiên quyết với nhiệm vụ chống tham nhũng, đặc biệt coi trọng đạo đức, phẩm chất chính trị của cán bộ. Đa số Đảng viên, cán bộ, cử tri và người dân chúng tôi rất hoan nghênh và coi đó là quốc sách hàng đầu của Đảng ta trong việc đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu, nhất là đối với cán bộ hiện nay.

Là Đại biểu Quốc hội thì những đồng chí này phải thực sự được người dân tín nhiệm, trân trọng. Bởi vì họ thay mặt quyền và lợi ích của tất cả mọi người, đồng chí đại diện cho tất cả người dân, lo chung việc nước, gánh vác việc nước, việc dân thì phải thực sự gương mẫu, phải thật sự trong sạch.

Còn ông Nguyễn Việt Thanh, một đảng viên ở TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cho biết, theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, một đảng viên dù ở cương vị nào khi có thành tích sẽ được khen thưởng và khi có những vi phạm, phải chịu kỷ luật, đặc biệt người có chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm càng lớn, không có vùng cấm cho đối tượng nào cả.

“Chuyện Đảng xử lý cũng theo nguyên tắc thôi, trên cơ sở thiếu sót nào đó, mình tin tưởng Đảng, đây là việc trong sáng thôi. Nói chung từ xưa tới giờ không có đồng chí nào nằm ngoài vùng cấm cả, từ cơ sở đến Trung ương, nếu có thiếu sót phải xử lý", ông Thanh cho biết.

Ông Phan Quốc Nam, một cựu chiến binh ở TP.Trà Vinh nêu quan điểm: “Theo tôi nếu là Ủy viên Bộ chính trị có vi phạm cũng phải xử lý thôi. Bộ Chính trị là cơ quan Đảng cao nhất nhưng chống tham nhũng thì cấp nào cũng phải xử lý hết. Một số cán bộ trong đó có ông Đinh La Thăng vi phạm như vậy thì kỷ luật thôi, tùy theo mức độ. Có như vậy người dân mới có niềm tin với Đảng”.

Người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng rất tán thành, ủng hộ việc này và mong muốn việc xử lý vi phạm cần được nhân rộng, bởi vì nếu chỉ hô hào phòng chống tham nhũng nhưng không quyết liệt thì sẽ đánh mất niềm tin của nhân dân.

Cử tri Đặng Ngọc Phi, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu nói: “Tôi nhận thấy việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy cán bộ, đặc biệt là chúng ta đang thể hiện điều đó bằng việc nói và làm rất là triệt để, cứ anh đã vi phạm thì anh phải bị xử lý. Việc xử lý ông Đinh La Thăng là một lãnh đạo cấp cao, thực sự rất được lòng dân và người dân hoàn toàn tin tưởng vào quyết định đó”.

Cùng ngày, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp uỷ (gồm cả sinh hoạt Ban Chấp hành Trung ương) đối với ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ ngày 8/12/2017 theo Quyết định khởi tố bị can số 522/C46, ngày 08/12/2017 và Lệnh bắt tạm giam số 134/C46, ngày 08/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV, liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: (1) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank); (2) Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Nhóm PV