|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

[Video] Cuộc đua Top10 thị phần môi giới trên HOSE 11 năm qua

17:30 | 07/01/2020
Chia sẻ
Trong 11 năm qua, cuộc đua về thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ của các công ty chứng khoán trở nên hấp dẫn, đặc biệt là sự xuất hiện của những "đại gia" mới nổi là những công ty chứng khoán ngoại, công ty áp dụng chiến lược miễn phí phí giao dịch.

[Video] Cuộc đua Top10 thị phần môi giới trên HOSE trong 11 năm qua

Giai đoạn 2009 - 2019, thị trường chứng kiến sự thay đổi lớn trong thứ hạng Top10 thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quĩ (CCQ) trên HOSE. Cùng nhìn lại cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ và ngôi vương giữa của "ông lớn" trong 11 năm qua.

Thay đổi Top10 thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE giai đoạn 2009 - 2019. Video: Phan Quân

Thay đổi ngôi vương thị phần môi giới HOSE 

Theo thống kê, trong giai đoạn 2009 - 2019, có 21 công ty chứng khoán lọt Top10 CTCK có thị phân môi giới lớn nhất trên HOSE. Trong quãng thời gian này, "ngôi vương" liên tục được thay đổi.

Năm 2009 - 2010, Chứng khoán Thăng Long (đổi tên thành Chứng khoán MBS vào tháng 5/2012) dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE với tỉ lệ lần lượt là 9,13% và 10,04%.

Năm 2011, Chứng khoán SSI (tên gọi cũ là Chứng khoán Sài Gòn) vươn lên vị trí dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE với 13,21%.

Giai đoạn 2012 - 2013, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) vượt SSI và giành lấy ngôi vương về thị phần môi giới cổ phiếu CCQ, trên HOSE, lần lượt đạt 11,77% và 13,28%.

Năm 2014, Chứng khoán SSI trở lại vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE và duy trì vị trí số 1 từ đó cho đến nay. Đáng chú ý, thị phần môi giới của công ty chứng khoán này liên tục tăng từ 11,96% năm 2014 lên 18,7% năm 2018, sau đó giảm xuống còn 13,96% năm 2019.

Những cái tên mãi không trở lại trên bảng xếp hạng

Giai đoạn 2009 - 2011, Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS - Sacombank) là một trong những "đại gia" của ngành và lọt Top4 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE. Năm 2009, thị phần của SBS - Sacombank đạt 7,77%, chỉ xếp sau Chứng khoán Thăng Long (9,13%) và SSI (8,26%).

Tuy nhiên, sau những biến cố trong hoạt động kinh doanh, từ năm 2012 đến nay, cái tên SBS không còn trở lại Top10 thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên sàn HOSE.

Giai đoạn 2009 - 2014, Chứng khoán Maybank Kim Eng liên tục lọt nhóm 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ lớn nhất trên sàn HOSE. Những kể từ năm 2015 đến nay, công ty này không còn lọt Top10.

Cũng trong 11 năm qua, một số cái tên hiếm hoi lọt Top10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ lớn nhất trên HOSE và không trở lại bảng xếp hạng này trong những những năm gần đây như Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Chứng khoán Phương Nam (PNS), Chứng khoán Hòa Bình (HBS) và Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS).

Điểm danh các CTCK thường nằm dưới nửa dưới bảng xếp hạng

Nếu nhưng một số cái tên vang bóng một thời mãi không trở lại, thì nhóm nửa dưới bảng xếp hạng 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ lớn nhất trên HOSE có sự luân phiên giữa một số CTCP như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Chứng khoán FPT (FPTS), Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS).

Giai đoạn 2009 - 2016, ACBS liên tục lọt Top10, nhưng có thị phần môi giới trên HOSE sự suy giảm từ mức cao nhất 7,92% năm 2012 xuống còn 4,09% năm 2016. Năm 2018, thị phần của công ty chứng khoán này giảm xuống còn 3,46% và rời khỏi Top10 trong năm 2019.

[Video] Cuộc đua Top10 thị phần môi giới trên HOSE 11 năm qua - Ảnh 2.

Sự xuất hiện của công ty chứng khoán ngoại, chiến lược miễn phí phí giao dịch khiến cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ảnh: Phan Quân

Những "đại gia" mới nổi trong ngành

Song song với việc một số cái tên mãi không trở lại bảng xếp hạng, thị trường lại xuất hiện thêm những tên tuổi mới trong ngành. Đơn cử, năm 2017, lần đầu tiên Chứng khoán Artex (tên gọi cũ của Chứng khoán BOS) lọt Top10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ lớn nhất trên HOSE. Sau một năm tạm rời nhóm, công ty chứng khoán này trở lại Top10 với thị phần 3,13% trong năm 2019.

Hai công ty chứng khoán ngoại là KIS Việt Nam và Mirae Asset (Việt Nam) cũng là những là những cái tên mới trên bảng xếp hạng trong năm 2019. Trước đó, năm 2016, Chứng khoán KIS lọt Top10 với thị phần 3,87% và sau đó vắng bóng trong hai năm 2017 - 2018.

Ngoài đại gia về vốn Mirae Asset (Việt Nam), Chứng khoán VPS cũng lọt Top10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ với chiến lược miễn phí phí giao dịch.

Nhìn lại 11 năm qua cho thấy bức tranh về thị phần môi giới cổ phiếu, CCQ trên HOSE liên tục thay đổi, một số công ty chứng khoán đã mãi không trở lại bảng xếp hạng. Thay vào đó là những cái tên mới xuất hiện, trong đó có những công ty chứng khoán ngoại. Liệu với cuộc đua tăng vốn và chiến lược miễn phí phí giao dịch có khiến "chiếc bánh" thị phần tiếp tục được chia lại thời gian tới?

Phan Quân