|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao xuất khẩu gạo sang Indonesia giảm mạnh, Pháp lại tăng đột biến?

08:00 | 01/03/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo sang thị trường truyền thống Indonesia trong tháng 1 giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi nguồn cung gạo tại nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 có nhiều điểm đáng chú ý. Indonesia - thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2023, ghi nhận sụt giảm mạnh trong tháng 1, từ mức 85.925 tấn cùng kỳ năm ngoái xuống 27.256 tấn.

Trong khi đó, Pháp bất ngờ vươn lên vị trí thứ 4 trong tháng đầu năm với khối lượng tăng đột biến 164 lần so với tháng trước. Trong khi cùng kỳ năm ngoái Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu gạo sang thị trường này. Giá gạo xuất khẩu sang thị trường này lên đến hơn 1.000 USD/tấn - cao nhất trong số các thị trường mua gạo Việt Nam.

 

 

Nhiều lý do khiến xuất khẩu gạo sang Indonesia giảm mạnh 

Lý giải nguyên nhân xuất khẩu gạo sang thị trường truyền thống Indonesia giảm mạnh so với cùng kỳ, trong khi nguồn cung gạo tại nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết hiện đang là vụ Đông Xuân cấy lúa nước của châu Á với đặc tính sản lượng cao và chất lượng gạo cao. Các nhà nhập khẩu gạo cho rằng giá sẽ còn giảm nữa trong mùa thu hoạch. Vì thế họ có động thái chờ đợi giá thêm mới mua vào.

Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ 1 tuần nữa là thu hoạch giống tránh hạn, với nhóm giống lúa chịu mặn, sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3. Doanh nghiệp nhập khẩu gạo nhiều khả năng đang cân nhắc mức giá đấu thầu từ các nước, từ đó đưa ra lựa chọn. 

“Ngoài ra, các nhà nhập khẩu nhiều khả năng nghĩ đến kịch bản Ấn Độ sẽ xuất khẩu gạo trở lại năm nay, giải quyết số hàng tồn kho năm ngoái do lệnh ngừng xuất khẩu và hạn chế xuất khẩu. Giá gạo sẽ giảm xuống rất thấp nếu kịch bản này xảy ra", ông Thủy nói thêm. 

Một lý do khác nữa có thể liên quan đến vấn đề tỷ giá. Theo ông Thủy, nếu USD biến động tương đối, các nhà nhập khẩu cũng phải tính toán thời điểm mua vào.

Cũng nói về vấn đề này, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice Group, cho biết Indonesia là quốc gia nhập khẩu với số lượng lớn, họ chọn các nhà cung cấp với giá tốt bất kể nguồn gốc nào với chất lượng tương đương. 

“Thời gian qua giá gạo Việt Nam biến động lớn, phá vỡ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, các doanh nghiệp chịu thiệt hại. Vì thế các doanh nghiệp rất dè chừng khi tham gia các gói thầu mới từ Indonesia. Từ đó cơ hội thuộc về các nhà cung cấp khác như Thái Lan và các thương nhân từ Ấn Độ”, ông thông tin.  

Xuất khẩu gạo sang Pháp: Đa số là hợp đồng ký trong 2023

Về thị trường Pháp, trong tháng 1, nước này nhập khẩu 17.919 tấn gạo từ Việt Nam, tương đương trị giá 18,6 triệu USD, gấp 164 lần về lượng và gấp 184 lần về trị giá so với tháng trước, trong khi cùng kỳ Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Ông Có cho hay thời gian qua giá gạo toàn cầu neo ở mức khá cao do thời tiết bất lợi. Các hợp đồng gạo đi châu Âu bán với giá rất cao, đặc biệt là vào thị trường Pháp. Các hợp đồng này đa số ký kết trước đó trong năm 2023 khi đó giá gạo trong nước Việt Nam cũng đang ở mức rất cao nên việc doanh nghiệp có bán giá 1.000 - 1.100 USD/tấn cũng không có được nhiều lợi nhuận bởi chi phí làm hàng, chi phí hành chính cao tương ứng.

Tuy nhiên, theo ông, việc bán hàng vào được thị trường này, mở đường cho tư duy sản xuất vì sức khỏe người tiêu dùng, từ đó cải thiện được chất lượng hàng hoá thật sự từ Việt Nam. 

 

 

Giá lúa có tín hiệu tăng trở lại

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho biết giá lúa bắt đầu tăng trong khoảng 4 ngày gần đây, tuy chưa tăng được nhiều nhưng đã có tín hiệu tăng trở lại. “Giá gạo đang nằm ở đáy, một số doanh nghiệp đang tập trung mua vào để dự trữ, hoặc cho các hợp đồng giao sau”, ông nói.

Về việc Indonesia nhập thêm 1,6 triệu tấn gạo năm nay, ông Thành cho hay đây là cơ hội cho gạo Việt tuy nhiên chưa rõ nước này sẽ mở thầu khi nào. Tháng trước, chính phủ nước này mua 500.000 tấn gạo, trong đó Việt Nam trúng cung ứng hơn 300.000 tấn.

Ông dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn tốt, tuy nhiên khó có thể đạt kỳ tích như năm 2023. Năm ngoái Việt Nam có nhiều cơ hội khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trong khi sản lượng của Thái Lan ở mức vừa phải. Năm nay có một số yếu tố khó lường trước như khô hạn, ít mưa. Ngoài ra 2024 là năm bầu cử quan trọng của Ấn Độ. Trước đó chính quyền nước này cam kết trước cử tri về mục tiêu chống lạm phát, từ đó cấm và hạn chế xuất khẩu gạo nhằm ổn định giá gạo trong nước.

"Chưa rõ sau khi bầu cử, động thái sắp tới của Ấn Độ như nào với chính sách xuất khẩu gạo. Một số nhà nhập khẩu gạo lo sợ Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại khiến giá gạo sụt giảm mạnh, nên họ sẽ dè chừng không mua số lượng lớn", ông nói.   

Anh Đào