|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Việt Nam chi số tiền kỷ lục mua hồ tiêu từ Brazil?

08:03 | 03/08/2022
Chia sẻ
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng đồng thời cũng là nước nhập khẩu và chế biến hàng đầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi số tiền kỷ lục gần 32 triệu USD để nhập khẩu 8.332 tấn hồ tiêu từ Brazil.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất hồ tiêu của thế giới với các nhà máy hiện đại bậc nhất.

Hàng năm, một lượng tiêu từ Brazil, Campuchia, Indonesia… được đưa về Việt Nam để chế biến và tái xuất khẩu, phục vụ khách hàng có nhu cầu dùng nguyên liệu từ các nước khác nhưng không có hệ thống chế biến hiện đại như Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu tiêu để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu trong những giai đoạn giáp hạt khi mà nguồn cung trong nước ở mức thấp. Vì vậy, không chỉ được biết đến là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới mà Việt Nam còn là nước nhập khẩu và chế biến hàng đầu.

Trong khi đó, một trong những vấn đề hạn chế xuất khẩu tiêu của Brazil hiện nay chính là sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella. Theo quy định của EU, trong năm 2022, các lô hàng tiêu đen từ Brazil xuất khẩu vào EU phải kèm theo giấy chứng nhận và kết quả phân tích chứng minh không có vi khuẩn Salmonella.

Đây được cho là nguyên nhân chính khiến lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil sang các thị trường có yêu cầu cao như châu Âu và Mỹ sụt giảm mạnh, thay vào đó được xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến và tái xuất.

Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu tiêu của Brazil chỉ đạt 39.922 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Trong đó, xuất khẩu tiêu của Brazil sang các thị trường tiêu dùng chủ lực của nước này như EU, Mỹ,  UAE, Pakistan… đều giảm mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam đã bất ngờ chi số tiền kỷ lục gần 32 triệu USD để nhập khẩu 8.332 tấn hồ tiêu từ Brazil trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh 83,8% về lượng và tăng 2,9 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Qua đó trở thành nước nhập khẩu tiêu số một của Brazil với 21% thị phần so với 9% của cùng kỳ.

Số liệu từ Comex Stat. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Do Việt Nam chủ yếu mua tiêu nguyên liệu từ Brazil để chế biến nên mức giá nhập khẩu bình quân chỉ đạt 3.839 USD/tấn (FOB), thấp hơn đáng kể so với giá xuất khẩu của Brazil sang các thị trường khác. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhập khẩu tiêu từ Brazil không đáng quan ngại bởi số lượng nhập khẩu vẫn còn khiêm tốn so với quy mô của ngành tiêu Việt Nam, trong khi giá cả cũng khó có thể cạnh tranh được với tiêu trong nước.

Theo quy đổi, giá tiêu nhập khẩu từ Brazil lên đến gần 90.000 đồng/kg trong khi giá tiêu trong nước dao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Số liệu từ Comex Stat. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Còn theo Hệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), kể từ năm 2020, EU thực hiện truy quét Ethylene oxide (ETO) trên khắp châu Âu. Trong sản phẩm gia vị, ETO được dùng để giảm khuẩn Salmonella.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, có 41 lô hàng liên quan đến ETO và  Salmonella trong tổng số 42 trường hợp bị châu Âu cảnh báo. Đáng chú ý, có đến 40 trường hợp bị cảnh báo Salmonella đến từ tiêu đen của Brazil.

Tại Mỹ, Cục  Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đang ráo riết điều tra trên diện rộng các đợt bùng phát do thực phẩm nhiễm khuẩn Salmonella.

Theo VPA, mặc dù chưa tìm thấy báo cáo nào về mặt hàng hồ tiêu liên quan đến Salmonella và ETO tại Mỹ, tuy nhiên đây có thể coi là cảnh báo đến các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm và nông sản vào Mỹ trước khi nước này thực hiện những biện pháp cứng rắn và quy mô hơn.

Trong bối cảnh đó, một số ý kiến cho rằng ngành tiêu Brazil, thị trường cung cấp hồ tiêu lớn thứ hai thế giới đang gặp bất lợi do vi khuẩn Salmonella sẽ là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế. Thực tế thời gian qua, thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại Mỹ và EU cũng không ngừng tăng lên. 

  CÁC TRƯỜNG HỢP CẢNH BÁO CỦA CHÂU ÂU 6 THÁNG 2022

  (Nguồn: VPA - https://webgate.ec.europa.eu/rasff-window/screen/search)

Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng ngành tiêu Brazil sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Việt Nam nếu nước này thay đổi công nghệ chế biến trong thời gian tới.

Trong cuộc họp mới đây của VPA, Ông Nguyễn Tấn Hiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu - Phó Chủ tịch VPA, cho rằng trong thời gian tới khả năng Brazil có thể sẽ chiếm các thị trường quan trọng của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nếu nước này thay đổi công nghệ để khắc phục ETO.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Hiền – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Phúc Thịnh, cho rằng khách hàng Mỹ không quan tâm đến vấn đề tiệt trùng khi mua hàng vì họ hoàn toàn có thể tự xử lý theo công nghệ của họ. Việc xử lí ETO cũng không quá phức tạp, do đó việc Brazil thay đổi công nghệ để xử lý ETO là điều hoàn toàn khả thi.

Hoàng Hiệp