|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao tòa không hủy án vụ Trung Nguyên?

10:12 | 08/12/2019
Chia sẻ
Bản án phúc thẩm được tuyên chiều 5/12, có hiệu lực ngay lập tức, chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên). Toàn bộ quyết định khác liên quan đến việc nuôi con, cấp dưỡng hay phân chia tài sản, HĐXX giữ nguyên quan điểm như án sơ thẩm.
Vì sao tòa không hủy án vụ Trung Nguyên? - Ảnh 1.

Chủ tọa công bố bản án vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Như Quỳnh.

Đối với kháng cáo của bà Thảo và kháng nghị của VKS cho rằng toà sơ thẩm vi phạm tố tụng khi bà Thảo đã rút yêu cầu ly hôn nhưng toà vẫn xử họ ly hôn, HĐXX phúc thẩm xác định bà Thảo là nguyên đơn trong vụ án - có yêu cầu được ly hôn ông Vũ sau nhiều năm mâu thuẫn.

Quá trình xét xử sơ thẩm, tòa hòa giải và lúc đầu bà Thảo đồng ý rút đơn ly hôn, giữ nguyên yêu cầu phân chia tài sản. Nhưng khi chủ tọa hỏi lại bà Thảo về việc có tiếp tục yêu cầu ly hôn hay không, bà Thảo trả lời "giữ nguyên yêu cầu ly hôn" nên tòa tiếp tục giải quyết. Trong khi đó bị đơn là ông Vũ đồng ý ly hôn theo yêu cầu của nguyên đơn nên toà chấp nhận cho hai người thuận tình ly hôn. "Như vậy không có căn cứ cho rằng tòa sơ thẩm phải đình chỉ giải quyết về yêu cầu ly hôn của bà Thảo", HĐXX phúc thẩm nhận định.

Bà Thảo và VKS cho rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến số tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng nhưng đã đưa vào giải quyết theo yêu cầu của bị đơn, HĐXX phúc thẩm dẫn chứng, ngày 18/7/2016 phía ông Vũ yêu cầu phân chia số tài sản do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng. Sau khi ra quyết định yêu cầu các ngân hàng cung cấp chứng cứ và nhận được kết quả, trong phiên hòa giải hồi tháng 1, TAND TP HCM đã thông tin về số tiền bà Thảo gửi tại ba ngân hàng cho các đương sự biết. Các đương sự đã ký nhận nắm được chứng cứ.

Vì sao tòa không hủy án vụ Trung Nguyên? - Ảnh 2.

Bà Diệp Thảo trong phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên.

Đối với việc phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần tại 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần, kháng cáo của bà Thảo và kháng nghị của VKS đều cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng trái pháp luật, không công bằng, tước đi quyền của bà Thảo đối với cổ phần của mình...

Theo HĐXX phúc thẩm, căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Năm 2014 quy định "tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến yếu tố công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó...". 

"Hồ sơ thể hiện ông Vũ là người có công đóng góp rất lớn trong việc tạo lập tài sản chung của vợ chồng", HĐXX phúc thẩm đánh giá và ghi nhận ông Vũ sáng lập ra cà phê Trung Nguyên từ năm 1996 nhờ vào tiền của cha mẹ ông. Đến năm 1998 ông và bà Thảo mới kết hôn.

HĐXX khẳng định đây là vụ án giải quyết tranh chấp tài sản ly hôn, chứ không phải là tranh chấp giữa các thành viên của công ty. Cổ phần do bà Thảo đứng tên là tài sản chung của vợ chồng, nên việc tòa sơ thẩm phân chia tài sản chung theo Luật hôn nhân và gia đình là đúng pháp luật "chứ không phải là việc chuyển nhượng cổ phần theo Luật Doanh nghiệp".

Cũng theo tòa, khi vợ chồng cùng là cổ đông của công ty cần phải áp dụng luật chuyên ngành để giải quyết. Việc để bà Thảo và ông Vũ cùng sở hữu cổ phần sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh. Mặt khác, bà Thảo đã thành lập doanh nghiệp khác cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Nguyên. Khi cả hai không còn là vợ chồng, việc giao cổ phẩn cho ông Vũ là có căn cứ. Do đó, tòa không chấp nhận kháng nghị của VKS và kháng cáo của bà Thảo.

Đối với một số sai sót của cấp sơ thẩm như: thời điểm cấp dưỡng, căn cứ tính án phí, tính chưa đúng số tiền chênh lệch ông Vũ phải trả cho bà Thảo... tòa cấp phúc thẩm "có thể sửa lại nên không cần thiết phải hủy án".

Vì sao tòa không hủy án vụ Trung Nguyên? - Ảnh 3.

Ông Vũ tại tòa phúc thẩm hôm 5/12. Ảnh: Như Quỳnh.

Về yêu cầu giám định lại sức khỏe tâm thần của ông Vũ, bà Thảo không cung cấp cho tòa tài liệu, chứng cứ cho thấy ông Vũ bị tâm thần. Còn hồ sơ vụ án có tài liệu của Viện pháp y tâm thần Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy ông Vũ không có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Mặt khác, TAND quận 3 (TP HCM) 3 năm trước đã đình chỉ giải quyết "yêu cầu tuyên bố công dân mất năng lực hành vi dân sự" đối với ông Vũ của bà Thảo. Do đó HĐXX không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà Thảo.

Đối với kháng cáo của ông Vũ, yêu cầu chia tài sản theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%, HĐXX cho rằng ông Vũ là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên từ khi thành lập đến nay. Công sức của ông Vũ nhiều hơn về tỷ lệ góp vốn, nâng cao thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng như việc hình thành tài sản chung của vợ chồng. Do đó cần thiết phải chia cho ông Vũ tỷ lệ nhiều hơn.

"Tuy nhiên, bà Thảo ngoài việc nuôi con cũng có nhiều công sức trong việc phát triển khối tài sản chung của vợ chồng. Do đó cần thiết phải chia tài sản theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40% mới đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên", bản án có hiệu lực nêu.

Không đồng tình với cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, phía bà Diệp Thảo cho biết sẽ có những động thái tiếp theo gửi các cơ quan tố tụng và chức năng trung ương để xem xét lại phán quyết này.

Hải Duyên