|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao thị trường chứng khoán thăng hoa có thể là tin xấu với nền kinh tế?

20:24 | 13/05/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp phá đỉnh lịch sử trong những năm gần đây. Đối với nhiều người, đây là tin vui. Nhưng nhà kinh tế Jan Eeckhout cho rằng chứng khoán Mỹ bùng nổ là dấu hiệu có điều sai trái đang diễn ra trong nền kinh tế.
Vì sao thị trường chứng khoán thăng hoa có thể là tin xấu với nền kinh tế - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh minh họa: Reuters).

Nhà kinh tế Eeckhout chỉ ra đà tăng hỏa tốc của thị trường đang được thúc đẩy bởi lợi nhuận bùng nổ của các tập đoàn ngày càng hùng mạnh. Theo ông, lợi nhuận ngày càng cao bất thường của các doanh nghiệp lớn đang ăn vào thu nhập của phần lớn người lao động và làm tổn thương nền kinh tế.

Ẩn sau lợi nhuận và giá chứng khoán tăng vọt của doanh nghiệp Mỹ là một thế lực hùng mạnh. Theo NPR, ông Eeckhout lập luận rằng thế lực đó là một trong những lý do lớn nhất vì sao lương của một người lao động Mỹ điển hình chỉ đi ngang và vì sao tốc độ gia tăng startup chậm lại trong vài thập kỷ gần đây. 

Thế lực đó là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của sức mạnh thị trường kể từ năm 1980.

Sự trỗi dậy của sức mạnh thị trường

Sức mạnh thị trường - hay sức mạnh độc quyền – là khả năng doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận khổng lồ bằng cách định giá sản phẩm và dịch vụ cao hơn chi phí sản xuất và cung cấp chúng.

Apple tốn chưa đến 500 USD để sản xuất một chiếc iPhone cao cấp, nhưng lại đòi người tiêu dùng trả hơn gấp đôi số tiền đó, NPR cho biết. 

Một trong những lời khuyên nổi tiếng của Warren Buffett là mọi người nên đầu tư vào những công ty có nhiều sức mạnh thị trường, mà ông gọi là hào kinh tế. Sức mạnh thị trường thường đến từ những phát minh thực sự, mô hình kinh doanh hiệu quả hoặc những sản phẩm mà khách hàng thích.

Doanh nghiệp có sức mạnh thị trường giống như những cỗ máy kiếm tiền được bảo vệ bởi súng máy và bazooka, buộc các đối thủ tiềm năng tránh xa. Nếu không cần cạnh tranh, doanh nghiệp có thể tăng giá để tối đa hóa lợi nhuận. Khi giá sản phẩm tăng, nhiều người tiêu dùng sẽ không thể chi trả cho chúng, do đó doanh nghiệp giảm số lượng sản xuất và bán. Và điều này có nghĩa là họ sẽ giảm nhân viên.

Nếu chỉ có một công ty có quyền lực thị trường khổng lồ, nền kinh tế tổng thể sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Nhưng ông Eeckhout ghi nhận sự gia tăng đáng kinh ngạc của những kẻ thống trị thị trường trong mọi ngành kể từ năm 1980.

Danh sách này bao gồm tất cả mọi lĩnh vực, từ nhà sản xuất thức ăn cho thú cưng cho đến quan tài. Hơn một nửa thức ăn khô cho mèo tại Mỹ được bán bởi một công ty. Gần 90% sốt mayonnaise ở Mỹ được bán bởi hai công ty.

Hàng không, mạng xã hội, công nghệ dược phẩm, năng lượng, xe cộ - rất nhiều ngành đang ngày càng bị chi phối bởi một vài công ty.

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về vấn đề gia tăng quyền lực thị trường vào năm 2019. IMF nghiên cứu gần 1 triệu công ty, tập trung vào một thước đo: markup, tức là tỷ lệ chênh lệch giá bán trên giá vốn. IMF phát hiện markup tại các quốc gia phát triển tăng 8% trong giai đoạn 2000-2015.

Trong nghiên cứu của mình, ông Eeckhout phát hiện rằng markup của các công ty đại chúng ở Mỹ đã tăng gấp ba kể từ năm 1980, và các công ty thống trị có năng lực sinh lời hơn trước.

Năm 1980, trung bình tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của một công ty đại chúng là 1 đến 2%. Giờ, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu vào khoảng 7-8%. Đây là sự gia tăng đáng kinh ngạc.

Ông Eeckhout cho rằng lợi nhuận quá lớn của rất nhiều công ty đang làm hại kế sinh nhai của người lao động thông thường. Người lao động không chỉ phải trả giá cao hơn cho hàng hóa và dịch vụ, mà họ còn khó tìm được công việc trả lương cao hơn.

Đó là vì giá tăng đồng nghĩa với nhu cầu cho sản phẩm giảm, đồng nghĩa với nhu cầu về người lao động sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm cũng thấp hơn.

Ông Eeckhout viết: "Tính sinh lời được tạo ra bởi sức mạnh thị trường chỉ làm giảm tiền lương và phá hủy việc làm. Đó chính là nghịch lý lợi nhuận".

Vì sao sức mạnh thị trường tăng?

Theo ông Eeckhout, nguyên nhân chính là sự thay đổi công nghệ nhanh chóng tạo ra thị trường theo kiểu kẻ thắng có tất cả và khiến doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh với những gã khổng lồ.

4 thập kỷ qua đã chứng kiến tiến bộ khổng lồ trong máy tính, vận tải và truyền thông. Những tiến bộ công nghệ này đã thúc đẩy sự trỗi dậy của chuỗi cung ứng toàn cầu, các chuỗi bán lẻ lớn, thuật toán tìm kiếm và nền tảng có "hiệu ứng mạng lưới". Những công ty như Google, Amazon and Facebook càng có nhiều người dùng thì lại càng giá trị.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ lại vật lộn để tích lũy nguồn lực, bí quyết và danh tiếng thương hiệu để vượt qua các rào cản gia nhập và cạnh tranh với các ông lớn.

Chính phủ cần làm gì?

Câu trả lời đơn giản là chính phủ cần chia nhỏ các công ty lớn. Nhưng ông Eeckhout chỉ ra rằng lý do nhiều công ty có vị thế thống trị là vì chúng cung cấp sản phẩm tốt hơn và hiệu quả lớn hơn. Ví dụ, thuật toán tìm kiếm của Google hoạt động hoạt động tốt hơn khi có nhiều người dùng. Xé nhỏ Google có thể khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là được lợi.

Một số công ty cần được chia nhỏ, ông Eeckhout nói. Số khác chỉ cần được quản lý tốt hơn.

Một ý tưởng khác: thành lập Cơ quan Cạnh tranh Liên bang mới, với nhiệm vụ điều tiết độc quyền và hạn chế sức mạnh thị trường.

Ông Eeckhout thừa nhận rằng nhà đầu tư sẽ không vui nếu vấn đề được giải quyết hoàn toàn. Hạn chế quyền lực thị trường và tăng cạnh tranh sẽ làm giảm lợi nhuận của nhiều công ty, và dẫn đến giá chứng khoán giảm. Nếu Mỹ quay trở lại mức độ cạnh tranh đầu những năm 1980, "Dow Jones sẽ quay về mức dưới 10.000 thay vì 30.000 điểm", ông viết.

Giang