Vì sao thị trường chứng khoán Mỹ có thể cất cánh bất chấp một loạt lực cản?
Sự giúp đỡ bất ngờ
Thị trường chứng khoán Mỹ đang có nhiều lý do để lao dốc, bao gồm việc Hạ viện thiếu vắng người lãnh đạo, dữ liệu kinh tế nhiễu loạn và xung đột nổ ra ở Trung Đông.
Tuy nhiên, thị trường lại tăng điểm nhờ sự đi xuống của lợi suất trái phiếu kho bạc. Sau khi các nhà hoạch định chính sách đưa ra những phát biểu bớt diều hâu hơn và các nhà đầu tư tìm đến sự an toàn của trái phiếu, lợi suất đã hạ nhiệt sau khi tăng sốc những ngày qua.
Trong ba tuần tính đến ngày 5/10, S&P 500 đã giảm khoảng 5,5%. Nhưng kể từ đó, chỉ số này đã phục hồi bất chấp các thông tin tiêu cực và tăng khoảng 2,3% trong ba phiên giao dịch gần nhất.
Theo tờ Barron's, sự sụt giảm ban đầu và cuộc phục hồi sau đó của thị trường chứng khoán trùng khớp với diễn biến của lợi suất trái phiếu. Lợi suất tăng mạnh trong phần lớn thời gian của tháng 8 và tháng 9, nhưng liên tục sụt giảm kể từ cuối tuần trước.
Bà Quincy Krosby, Giám đốc đầu tư toàn cầu của LPL Financial, viết hôm 10/10: “Lợi suất đi xuống là do thị trường diễn giải bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng như do các nhà đầu tư toàn cầu đẩy mạnh mua trái phiếu chính phủ Mỹ để phòng thân trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ”.
Hôm 3/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã leo lên 4,8%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi suất kỳ hạn 2 năm đạt 5,15%. Kể từ đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã lần lượt giảm xuống còn 4,63% và 4,94%.
Lợi suất cao làm tăng sức hấp dẫn của trái phiếu trong mắt các nhà đầu tư và làm giảm sức hút của cổ phiếu. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng còn kéo chi phí vay của doanh nghiệp và hộ gia đình đi lên.
Đây là yếu tố cần thiết trong chiến dịch chống lạm phát của Fed. Sự thắt chặt của các điều kiện tài chính sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng chậm lại, làm giảm áp lực lên giá cả.
Trong những ngày gần đây, các quan chức Fed cho biết họ đang để mắt tới ảnh hưởng đến nền kinh tế và các điều kiện tài chính khi lợi suất gia tăng.
Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bình luận vào hôm 5/10: “Các điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể trong 90 ngày qua. Nếu chúng tiếp tục bị thắt chặt, Fed sẽ không cần phải hành động nữa”.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lợi suất tăng vọt, giới chức Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất 10/10/2023 - 11:09
Ông Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, đưa ra nhận xét thẳng thắn vào sáng ngày 10/10: “Tôi nghĩ Fed không cần tăng lãi suất thêm nữa”.
Các phát biểu trên cho thấy khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất chính sách trong năm nay đã giảm đáng kể. Điều này được phản ánh vào giá của thị trường lãi suất tương lai. Theo đó, lợi suất trái phiếu cũng đi xuống, giúp thúc đẩy cổ phiếu.
Thử thách kế tiếp
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cổ phiếu vẫn chưa thể an tâm hoàn toàn. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có nguy cơ sẽ leo thang thành xung đột diện rộng tại Trung Đông, khiến nguồn cung dầu khí bị gián đoạn. Nếu kịch bản này thành sự thực, giá các loại hàng hóa sẽ đi lên, gây thêm áp lực lạm phát.
Thử thách tiếp theo của các nhà đầu tư là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9. Trung bình, các nhà kinh tế dự đoán CPI toàn phần và CPI lõi sẽ tăng lần lượt 3,6% và 4,1% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng của tháng 8.
Còn khi so với tháng liền trước, ước tính cả hai chỉ số này đều sẽ tăng 0,3%. Nếu lạm phát thực tế cao hơn những con số trên, nhiều khả năng lợi suất sẽ lại bật tăng và chứng khoán sẽ sụt giảm.
Ông Thierry Wizman, chuyên gia của tập đoàn tài chính Macquarie Group, viết hôm 10/10: “Fed đang thiên về hướng ngừng tăng lãi suất. Nhưng để Fed từ bỏ ý định duy trì ‘lãi suất cao trong thời gian dài’ thì họ phải có thêm bằng chứng về sự suy yếu của tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.
Những bằng chứng này có thể sẽ xuất hiện vào đầu năm 2024. Nếu nền kinh tế thực sự giảm tốc, có khả năng Fed sẽ thay đổi lập trường về lãi suất. Và nếu tương lai diễn ra đúng như vậy, giá trái phiếu kho bạc hiện nay đang ở mức rẻ”.