Vì sao startup thương mại điện tử Việt hút vốn ngoại
Startup thương mại điện tử Việt vươn lên trong đấu trường của 'cá mập' | |
[Infographic] Những doanh nhân thành công với startup thương mại điện tử |
Theo báo cáo của Topica Founder Institute, khoảng 291 triệu USD đã được rót vào các startup Việt trong năm 2017, tăng 42% so với năm 2016. Trong đó, các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử dẫn đầu danh sách hút vốn đầu tư.
Cụ thể: Trong năm 2017, 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử được thực hiện với tổng giá trị 83 triệu USD, chiếm 28,5% . Riêng Tiki đã nhận được khoản vốn đầu tư vòng Series C lên đến 54 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com và STC Investment, chiếm hơn 65% số vốn trong lĩnh vực thương mại điện tử và 18,6 tổng số vốn mà các startup Việt nhận được trong năm 2017.
Chia sẻ về khoản đầu tư này, ông Winston Cheng - Chủ tịch của JD.com từng - cho biết: Tôi rất vui mừng khi tiếp tục hành trình mở rộng tại Đông Nam Á khi hợp tác với Tiki - công ty am hiểu sâu sắc về Việt Nam và có danh tiếng về dịch vụ khách hàng. JD và Tiki cùng chia sẻ triết lý kinh doanh, đó là giành thị phần bằng cách chiếm được cảm tình của khách hàng.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc JD.com rót vốn khủng cho Tiki không chỉ vì như vậy. Lý do quan trọng khiến JD.com - Công ty Thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc và thứ ba thế giới - rót vốn vào Tiki là sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt.
Bởi Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 22%/ năm trong thời gian qua. Riêng trong năm 2017, hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tăng 69% (theo Kantar Worldpanel). Thậm chí, hãng nghiên cứu và tư vấn Frost and Sullivan còn dự báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng 45%/năm trong giai đoạn 2016-2020, từ 1,7 tỷ USD (năm 2016) lên 3,7 tỷ USD (năm 2020).
Sự hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng là lý do SEA thâu tóm một lúc hai doanh nghiệp startup lớn của Việt Nam. Thậm chí, Forrest Li - CEO của SEA - từng chia sẻ với truyền thông rằng: Công ty có định hướng phát triển sang lĩnh vực thương mại điện tử. Mục đích đằng sau việc thâu tóm 2 startup lớn của Việt Nam được cho là vì sự hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử tại đây.
Trước đó, Alibaba - công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới của tỷ phú Jack Ma - đã hiện diện trên thị trường Việt Nam vào tháng 4/2016 thông qua thương vụ thâu tóm Lazada trên thị trường Đông Nam Á. Thậm chí, Alibaba còn không giấu tham vọng sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam qua chuyến thăm Hà Nội vào tháng 11/2017 của tỷ phú Jack Ma. Trong chuyến đi này, ông Jack Ma đã kể lại câu chuyện tạo dựng thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc mà không khó để người nghe nhận ra rằng: Alibaba sẽ lặp lại câu chuyện đó tại Việt Nam.
Cùng với Alibaba, Shopee - công ty thương mại điện tử đến từ Singapore - cũng tỏ rõ ý định mở rộng tầm ảnh hưởng ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam thông qua các chiến dịch quảng bá rầm rộ, cho dù chỉ mới xuất hiện vào năm 2016.
Sự hiện diện của các công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới và khu vực cho thấy sức hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử Việt Nam với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Điều đó phần nào lý giải hiện tượng startup Việt trong lĩnh vực thương mại điện tử thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, nhất là trong bối cảnh hầu hết startup Việt hoạt động trong lĩnh vực khác đều gặp không ít khó khăn trong việc gọi vốn đầu tư.