|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vì sao Sonadezi chưa thể thoái vốn nhà nước trong năm 2020?

08:13 | 31/05/2021
Chia sẻ
Trong năm 2020, việc thoái vốn của công ty mẹ Tổng công ty Sonadezi không thành công do định giá quá cao, không bán được cổ phần.
Vì sao Sonadezi chưa thể thoái vốn nhà nước trong năm 2020? - Ảnh 1.

Theo kế hoạch, Sonadezi sẽ thoái vốn nhà nước xuống còn 36%. (Ảnh: SZN).

Báo Đồng Nai đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, Mã: SNZ) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, cổ phần hóa, thoái vốn tại Sonadezi và các công ty thành viên.

Thời gian qua, Sonadezi và các đơn vị thành viên gặp một số khó khăn cần tháo gỡ như thoái vốn của công ty mẹ năm 2020 không thành công do định giá quá cao nên cổ phần không bán được; chưa có phương án định giá KCN Biên Hòa 1.

Bên cạnh đó, thời gian thẩm định giá tài sản để thoái vốn quá lâu trong khi chứng thư thẩm định giá chỉ có thời hạn 6 tháng, quá thời hạn phải làm lại quy trình từ đầu, mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tham gia đấu giá đất để triển khai các dự án thường không thành công do bị hạn chế trong việc bỏ giá cao; nhiều doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 còn nợ tiền đất hơn 270 tỷ đồng; nhiều dự án đang triển khai bị kéo dài hơn so với lộ trình vì bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, nhiều địa phương chưa thanh toán chi phí xử lý rác sinh hoạt,...

Liên quan đến KCN Biên Hòa 1, tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Tài chính thực hiện nhanh việc thẩm định giá để đảm bảo thời gian của chứng thư. Đồng thời, tỉnh yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho chủ đầu tư hoàn thành các dự án. 

Liên quan đến việc các huyện, thành phố nợ tiền xử lý rác sinh hoạt do chậm đấu giá rác, các địa phương phải tiến hành đấu giá và thanh toán nợ cho công ty xử lý rác. 

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Sonadezi cho biết, doanh nghiệp sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước từ 99,54% xuống còn 36% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty tiếp tục hoàn tất việc thoái vốn nhà nước trong năm 2021.

Ngoài ra, Sonadezi dự kiến sẽ thoái hết vốn tại một số công ty liên kết và thoái xuống dưới 50% tại các công ty con.

Doanh nghiệp cho biết, với kế hoạch thoái vốn, việc dự báo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong những năm tiếp theo sẽ bị hạn chế.

Bên cạnh đó, khi thực hiện thoái vốn nhà nước xuống còn 36%, sẽ có những nhà đầu tư lớn đầu tư vào Sonadezi, tham gia và nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Lúc này, các cổ đông ngoài cổ đông nhà nước sẽ quyết định các chiến lược phát triển của Sonadezi.

Giai đoạn 2016 - 2020, Sonadezi đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP Điện cơ Đồng Nai, CTCP Vận tải Thủy bộ Vĩnh Phú, HD Bank (Ngân hàng Đại Á trước đây), CTCP Khu công nghiệp Định Quán, CTCP Bến xe và Dịch vụ Vận tải Đồng Nai, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An.

Đồng thời, doanh nghiệp đã thoái vốn xuống còn 36% tại CTCP Kinh doanh Nhà Đồng Nai và thoái vốn xuống còn 46,22% tại CTCP Sonadezi Long Bình (Mã: SZB).

Sonadezi tiền thân là Công ty Phát triển KCN Biên Hòa, do UBND tỉnh Đồng Nai thành lập vào năm 1990, với nhiệm vụ đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng KCN Biên Hoà 1 và kêu gọi và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp khởi đầu hoạt động kinh doanh với vai trò duy tu và sửa chữa KCN Biên Hòa 1, KCN đầu tiên của cả nước được thành lập vào năm 1963. Dự án có quy mô 335 ha, nằm tại phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 và chuyển đổi công năng KCN này thành khu đô thị thương mại dịch vụ, một trong những dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới


Hoàng Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.