|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao nhiều người Mỹ Latinh vẫn 'bình chân như vại' trước đợt sụp đổ của thị trường tiền ảo?

09:30 | 25/06/2022
Chia sẻ
Khác với nỗi lo lắng ngập tràn của các nhà đầu tư trên khắp thế giới, nhiều người ở Mỹ Latinh vẫn nắm giữ số tiền mã hoá của mình thay vì bán tháo.

Vào một buổi chiều, một ngày trước khi giá bitcoin chạm mốc thấp nhất trong vòng 18 tháng, Elisa Caletti (30 tuổi) bước vào “Đại sứ quán Bitcoin” ở Roma Norte, Mexico. Quán bar này có đặt một ATM bitcoin. Ngay cả khi giá bitcoin đang giảm mạnh, cô không đến đây để rút tiền. Elisa Caletti quyết định nắm giữ.

 “Đại sứ quán Bitcoin”, một quán bar bitcoin, ở Mexico. (Ảnh: Rest of World).

“Sẽ luôn có những giai đoạn giá giảm mạnh”, Elisa Caletti nói với Rest of World. “Bạn không thể lúc nào cũng ở trên đỉnh được”. Elisa Caletti dùng ATM để rút một chút tiền mặt và rời quán bar.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, vốn hoá thị trường tiền mã hoá đã giảm 66%. Mặc dù các nhà đầu tư ở nhiều thị trường tỏ ra sợ hãi, phản ứng ở Mỹ Latinh, thị trường tiền mã hoá bắt đầu phổ biến hơn trong 2 năm trở lại đây, lại có nhiều trái chiều. Loại tài sản mang tính rủi ro cao như bitcoin mang đến các giá trị độc đáo cho Mỹ Latinh, khu vực vẫn đang phải đương đầu với tình hình kinh tế bất ổn định và thị trường vốn đóng cửa. Các nhà đầu tư vốn đã quen với sự biến động nhìn nhận đợt giảm giá của bitcoin dưới góc độ lạc quan.

“Các quốc gia khác nhìn nhận thị trường giảm giá như một bi kịch lớn”, Carlos Mijares, một nhà thiết kế đồ hoạ, nói. “Chúng tôi nhìn nhận và tận hưởng thị trường từ sự phục hồi”.

Omid Malekan, một chuyên gia tiền mã hoá và giáo sư Đại học kinh doanh Columbia, nói rằng phản ứng sợ hãi tại các thị trường như Mỹ bỏ qua thực tế đa dạng có thể thấy trên khắp thế giới, nơi người dẫn không tiếp cận được với đồng USD và hệ thống ngân hàng ổn định.

“Khi các chuyên gia, học thuật và những người như Warren Buffett ở Mỹ chỉ trích tiền mã hoá và bitcoin, họ làm đứng trên một góc nhìn có nhiều lợi thế”, ông nói.

Cuối năm 2021, bitcoin bùng nổ với nhiều dự án được triển khai khắp Mỹ Latinh. Mexico là quốc gia đầu tiên có startup “kỳ lân” ở mảng mã hoá với Bitso vào tháng 5/2021. El Salvador công nhận bitcoin là tiền pháp định vào tháng 9/2021. Venezuela, Argentina, Colombia, và Brazil đều có mặt trong top 15 quốc gia đón nhận tiền mã hoá nhiều nhất theo Chainalysis vào năm 2021.

Aarón Olmos, một nhà kinh tế học người Venezuela, chia sẻ rằng người dân Mỹ Latinh tìm đến tiền mã hoá như một cách để đối phó với nền kinh tế trì trệ và thiếu ổn định. Trong một cuộc khảo sát mà ông thực hiện, ông nhận được nhiều phản hồi của người tham gia rằng: “Tôi thà sở hữu tài sản số với giá tăng và giảm hơn là một đồng tiền mà xu hướng chỉ là giảm, do vấn đề kinh tế chính trị”.

Venezuela và Argentina, 2 quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao, trở thành một nơi để thử nghiệm hệ sinh thái tài chính nơi tiền mã hoá hấp dẫn hơn tiền pháp định. Một nhà đầu tư Venezuela nói rằng tiền mã hoá “là lựa chọn tốt nhất tới thời điểm này”. Tỷ lệ lạm phát năm của Venezuela chạm mốc 686,4% trong năm 2021.

Những điều nói trên không đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư Mỹ Latinh không bị tổn thương. Biến động mạnh của thị trường tiền mã hoá gần đây không chỉ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp mà cả chính phủ. Bitso đã sa thải hơn 10% số lượng nhân sự của mình trong khi đó sàn giao dịch Argentina Buenbit cũng cho thôi việc tới 45% nhân sự. Cùng lúc, El Salvador ước tính đã thua lỗ 50 triệu USD đầu tư vào bitcoin.

5 nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án rủi ro do như Terra và Anchor với lãi suất "tốt không thể tin được" nói với Rest of World rằng họ đã để mất phần lớn số tiền tiết kiệm của mình.

Yeibert Godoy sống ở Caracas và bắt đầu làm việc cho một công ty đào bitcoin ở Venezuela trong thời gian đại dịch bùng nổ. Anh nhận lương bằng Tether, một đồng stablecoin gắn với giá trị đồng USD. Ngay cả khi Tether giữ được giá trị trong đợt sụp đổ của thị trường, Yeibert vẫn chứng kiến sự "tan nát" của các đồng tiền như TerraUSD với sự lo lắng.

“Tôi thừa nhận rằng đợt sụp đổ của TerraUSD đã làm mất lòng tin trong tôi”, anh nói với Rest of World. “Vẫn có khả năng vào một thời điểm nào đó những đồng stablecoin không thể đóng vai trò là đồng tiền lưu giữ giá trị trong các đợt biến động thị trường”.

Đợt sụp đổ của thị trường cũng làm nổi bật sự chia rẽ nội bộ trong cộng đồng tiền điện tử.

Roberto Conte, một doanh nhân người Mexico đang phát triển một công cụ cho vay có tên Kuze, nói rằng mặc dù có những rủi ro rõ ràng, những người đang gặp khó khăn về tài chính vẫn bị sa vào các dự án chưa được kiểm định. “Họ cố gắng tồn tại bằng mọi cách”, anh chia sẻ và dự đoán đợt sụp đổ gần đây, cùng với các khoản lỗ lớn, sẽ khiến mọi người quay lưng. “Họ sẽ đón nhận tiền mã hoá trở lại nhưng thị trường đã dạy họ rất nhiều về tiền và đầu tư”, ông nhận định.

Lorana Ortiz, giám đốc quán bar “Đại sứ quán Bitcoin” cho rằng việc thiếu đào tạo về tài chính đã khiến nhiều nhà đầu tư phải trả giá. “Sự thiếu hiểu biết đẩy nhiều người vào các mô hình lừa đảo Ponzi với lời hứa kiếm tiền nhanh mà không phải làm gì”, bà chia sẻ.

Với Ortiz, bitcoin không chỉ là câu chuyện về giá. Nó đại diện cho một hình thức tự chủ tài chính mà các tài sản có xu hướng mất giá như đồng peso thì không.

Một số nhà đầu tư ở Argentina, nơi chính phủ tuyên bố tỷ lệ lạm phát tháng đạt 5,1% và tỷ lệ năm có thể lên tới 70%, nói rằng bitcoin vẫn là một lựa chọn ổn định hơn.

“Nếu bạn đến từ Argentina, giữ bitcoin lúc này tốt hơn là giữ peso”, Federico Sanchez, giám đốc sàn giao dịch Kripton Market, nói. Ông coi đợt sụt giảm của thị trường là cơ hội để các dự án nhưKripton Market  tự chứng minh bản thân sau nhiều đợt tăng trưởng mạnh. “Một đợt sụt giảm trên thị trường cho thấy các nhà đầu cơ đã rời đi, đây là thời điểm tuyệt vời để kiến tạo”, ông nói.

Ông Omid Malekan nhận định rằng ở Mỹ Latinh, giá trị của tiền mã hoá trong vai trò một công cụ kinh tế thay thế là điều đáng quan tâm hơn đợt giảm giá. “Xu hướng này sẽ tiếp tục, dù giá thay đổi ra sao”, ông nói thêm.

Ông Conte nói rằng những gì xảy ra ở Mỹ Latinh cho thấy “những người khoẻ mạnh nhất sẽ tồn tại”. “Người khoẻ nhất là những người hiểu giá trị của suy nghĩ và ổn định dài hạn”, ông chia sẻ thêm.

Elmer Curio, một nhà đầu tư 19 tuổi người Argentina, cũng có cảm nhận tương tự. Anh từng để tiền của mình vào Terra vì nó mang đến lãi suất theo tháng tốt nhất. Khi đồng tiền sụp đổ, anh mất toàn bộ số tiền đầu tư của mình – 166 USD.

“Tôi cảm thấy rất tệ trong vài ngày nhưng nó không thay đổi suy nghĩa của tôi”, anh nói. “Tôi chỉ cần cẩn trọng hơn với cách đầu tư của mình”.

Những người khác có vẻ kém lạc quan hơn. Một người Venezuela nói rằng ông đã để mất toàn bộ số tiền tiết kiệm từ việc đầu tư. Ông từ chối tiết lộ danh tính với Rest of World vì không muốn gia đình mình thêm đau lòng.

Thái Sơn