|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một ứng dụng cho vay tiền ảo muốn chiếm quyền giao dịch của tài khoản ‘cá voi’ để ngăn chặn rủi ro sập hệ thống

09:48 | 22/06/2022
Chia sẻ
Những động thái gần đây của nền tảng cho vay tiền số Solend càng làm tăng thêm những nghi vấn về tương lai giao dịch ngang hàng, không thông qua ngân hàng truyền thống.

 Nền tảng cho vay tiền số Solend. (Ảnh: CoinDesk).

Theo CNBC, các nền tảng tài chính phi tập trung hiện đang hết sức hạn chế sự thất thoát do áp lực bán tháo tiền điện tử. Solend, một nền tảng cho vay được xây dựng trên chuỗi khối Solana, đã cố gắng giành quyền kiểm soát tài khoản lớn nhất của họ, cái mà các nhà đầu tư thường gọi là “cá voi”.

Solend cho rằng với khả năng của cá voi thì một động thái nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến các chuyển động của thị trường. Do đó, người dùng của Solend đã bỏ phiếu để chặn đứng các hoạt động của cá voi, trong đó có hoạt động rút và chuyển tiền.

Theo CNBC, Solend là một ứng dụng DeFi (tài chính phi tập trung) cho phép người dùng vay và cho vay vốn mà không cần thông qua trung gian. Solend cho biết nền tảng này sở hữu một cá voi duy nhất và đang ở trên một “vị trí ký quỹ cực kỳ lớn”, có khả năng khiến giao thức lẫn người dùng của họ gặp rủi ro.

“Trong trường hợp xấu nhất, Solend có thể kết thúc với nợ xấu. Điều này có thể gây ra hỗn loạn, gây căng thẳng cho mạng lưới Solana",công ty cho biết. 

Theo đó, tài khoản có liên quan đến cá voi đã gửi 5,7 triệu sol token (đồngSolana) vào Solend, chiếm hơn 95% số tiền gửi. Ở chiều người lại, họ cũng đã vay 108 triệu USD thông qua stablecoin USDC và ether.

Nếu giá của đồng Solana giảm xuống dưới 22,30 USD, thì 20% tài sản thế chấp của tài khoản này (khoảng 21 triệu USD) có nguy cơ bị thanh lý, Solend cho biết. Hôm 20/6, Solana đã được giao dịch ở mức giá 34,49 USD.

Trước đó một ngày, Solend đã thông qua đề xuất cấp quyền khẩn cấp để tiếp quản tài khoản cá voi, một động thái chưa từng có trong thế giới DeFi. Solend cho biết biện pháp này sẽ cho phép họ thanh lý tài sản của cá voi thông qua các giao dịch "mua tại quầy" (OTC) - trái ngược với các giao dịch trên sàn giao dịch, động thái nhằm tránh việc thanh lý có thể xảy ra.

Động thái này đã dẫn đến phản ứng dữ dội trên Twitter, đa phần đều đặt nhiều nghi vấn về sự phân quyền của Solend. Nền tảng này đang đi ngược lại một trong những nguyên lý cốt lõi của DeFi là loại bỏ các tổ chức tập trung như ngân hàng.

Tuy nhiên, vào hôm 20/6, người dùng của Solend được yêu cầu bỏ phiếu cho một đề xuất mới để lật ngược cuộc bỏ phiếu trước đó. Cộng đồng áp đảo đã bỏ phiếu ủng hộ, với 99,8% biểu quyết “có”.

Sự thất bại này là một dấu hiệu cho thấy DeFi, nơi người dùng tự chấp nhận với nhau để thực hiện các giao dịch và cho vay ngang hàng, đã bị cuốn vào cuộc khủng hoảng tiền điện tử.

Doanh Chính