|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao máy in suốt ngày hỏng hóc, mực in thì đắt đỏ?

15:36 | 01/05/2023
Chia sẻ
Máy in có lẽ là thiết bị văn phòng hay hỏng hóc nhất. Chưa dừng lại ở đó, mực in còn là một trong những chất lỏng đắt đỏ bậc nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi các doanh nghiệp sản xuất máy in đã chấp nhận lỗ khi bán máy, và cố gắng thu lại tiền từ mực in.

Nếu đang làm công việc văn phòng, một trong thiết bị tồi tệ nhất mà bạn phải đối mặt chính là những chiếc máy in. Chúng luôn gặp trục trặc về vấn đề kết nối, liên tục bị kẹt giấy, hỏng hóc và hết mực. Đó là chưa kể đến giá thành đắt đỏ của những hộp mực in chính hãng.

HP - hãng sản xuất máy in lớn nhất thế giới - đang thu lợi khổng lồ từ những chiếc máy in và mực. HP hoạt động trong hai lĩnh vực chính là Personal Systems (máy tính, laptop, server) và in ấn (máy in, mực máy in).

Vào năm 2022, mảng Personal Systems đem lại doanh thu hơn 44 tỷ USD, nhưng lợi nhuận chỉ là 2,9 tỷ USD. Trong khi đó, mảng in ấn có doanh thu khiêm tốn chỉ 18,9 tỷ USD lại đem về lợi nhuận 3,7 tỷ USD.

Biên lợi nhuận từ mảng in ấn của HP hiện cao gấp 3 lần so với mảng Personal Systems.

Bất chấp lợi nhuận khổng lồ từ lĩnh vực in ấn (bán máy in, mực in), dường như trong suốt hàng chục năm qua, những chiếc máy in chẳng được cải thiện được bao nhiêu. Thay vì việc khiến máy in trở nên đáng tin cậy, hoạt động ổn định hơn, các hãng sản xuất đã và đang tìm cách bán càng nhiều mực in càng tốt.

Theo ComputerWorld, giá mực in của những thương hiệu lớn như Canon, HP có thể vượt quá 80 USD/ounce. Trong khi đó, máu người cũng chỉ có giá khoảng 17 USD/ounce, còn kim loại bạc hiện nay chỉ chưa đến 25 USD/ounce. 

Vậy tại sao các hãng sản xuất máy in lại tập trung việc tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc bán mực, thay vì tạo nên những chiếc máy in tốt hơn?

Quá khứ huy hoàng

Theo kênh youtube Logically Answered, 50-60 năm trước, máy in là những sản phẩm công nghệ tiên tiến, và hoạt động rất trơn chu. Vào những năm 1960, Xerox từng có đoạn phim quảng cáo giới thiệu rằng một con tinh tinh cũng có thể vận hành máy photocopy Xerox 914.

Máy in đã từng đơn giản tới mức những con tinh tinh cũng có thể sử dụng được. Tuy nhiên, giờ đây, ngay cả những nhà khoa học tên lửa tại NASA có lẽ cũng sẽ gặp rắc rối với những chiếc máy in.

Chiếc máy photocopy Xerox 914 có thiết kế rất phức tạp nhưng lại rất dễ sử dụng. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ).

Thật khó để tin rằng đã từng có thời điểm những chiếc máy in dễ sử dụng, hiếm khi bị hỏng hóc. Xerox 914 và những chiếc máy in, máy photocopy từ thập niên 60, 70 và thậm chí cả 80 đều hoạt động rất tốt, nhưng đi kèm với đó là chi phí đắt đỏ.

Giá của một chiếc Xerox 914 đắt tới nỗi Xerox không nghĩ đến việc bán đứt. Thay vào đó, công ty này cho các cửa hàng photocopy thuê với giá 25 USD/tháng (khoảng 240 USD/tháng ngày nay). 

Ngoài ra, khách hàng sẽ phải trả 0,1 USD cho mỗi bản copy, tương đương với gần 1 USD hiện nay. Khách hàng cũng phải tự mang giấy và mực, với giá khoảng 0,05 USD cho mỗi trang giấy. Như vậy, giá của một trang giấy photo vào 50 năm trước lên tới hơn 1 USD.

Chính phủ Mỹ là đơn vị duy nhất được mua đứt những chiếc máy in của Xerox. Và cái giá mà Washington phải trả cho mỗi chiếc máy in là 27.500 USD khi đó, hay 262.000 USD ngày nay - sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. 

Vào cuối những năm 1970, Xerox đã lọt vào danh sách Fortune 100, thành tựu mà chưa công ty công nghệ nào từng đạt được cho tới thời điểm đó. Xerox tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, tạo ra những chiếc máy in tốt hơn, cũng như các phát minh như laptop, internet, ngôn ngữ lập trình, công cụ soạn thảo văn bản .... 

Tuy nhiên, nhu cầu in ấn đã nhanh chóng thay đổi trong những năm sau đó. Người tiêu dùng giờ đây cần in văn bản từ trên máy tính cá nhân, thay vì photocopy tài liệu.

Máy in HP Deskjet 500. (Ảnh: HP Computer Museum).

HP, Epson và Canon đã lựa chọn giai đoạn này để tấn công vào thế độc tôn của Xerox. Máy in phun dân dụng đầu tiên ra mắt thị trường là HP Deskjet 500 vào năm 1988. Và tương tự như những người tiền nhiệm đến từ Xerox, chúng vẫn hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, giá của một chiếc HP Deskjet 500 vào năm 1988 lên tới 1.000 USD. Với số tiền trên, bạn có thể mua cả một chiếc máy tính cá nhân từ các thương hiệu như Dell. Bởi vậy, HP khó lòng thuyết phục người dùng mua một chiếc Deskjet.

HP, Canon và Epson buộc phải tìm cách khiến cho máy in rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những đột phá về mặt kỹ thuật khó có thể giúp hạ giá thành máy in xuống mức cần thiết. Bởi vậy, các nhà sản xuất quyết định rằng sẽ chịu lỗ khi bán máy in, và kiếm lại tiền từ mực.

Tất nhiên, vì chịu lỗ khi bán máy in, các công ty cũng chẳng mặn mà đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, nâng cao độ tin cậy hoặc tính dễ sử dụng. Thay vào đó, những doanh nghiệp này đưa ra sản phẩm tối thiểu, chỉ đủ chức năng của một chiếc máy in.

Và khi máy in - thiết bị có nhiệm vụ đặt hàng triệu dấu chấm lên một tờ giấy chỉ trong vài giây - được giảm giá thành hết mức có thể, chất lượng chắc chắn cũng sẽ đi xuống trầm trọng. 

Thay vì suy nghĩ về cách làm cho máy in tốt hơn, các công ty lại đang tìm cách bán càng nhiều mực càng tốt. Một số máy in có phần mềm với chức năng lập tức ngăn người dùng sử dụng mực giả. Số khác đặt đầu in nằm trên hộp mực. Nếu người tiêu dùng mua hộp mực giả, chất lượng bản in sẽ giảm đáng kể.

Thông báo của máy in HP về việc người dùng sử dụng hộp mực đã hết hoặc hộp mực giả. (Ảnh: PrinterInks).

Tương lai tăm tối

Ngành công nghiệp máy in đang đối mặt với tương lai không mấy sáng sủa. Một trong những lý do khiến máy in trở nên phổ biến là sự thiếu niềm tin vào máy tính. Người dùng từng muốn có bản in cho những tài liệu quan trọng, muốn có chữ ký để xác thực. 

Tuy nhiên, giờ đây, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều không thích những tủ hồ sơ đựng đầy tài liệu hay những bản hợp đồng dày hàng trăm trang giấy. Thay vào đó, người dùng đang tin tưởng vào lưu trữ đám mây cũng như việc sở hữu hàng loạt phiên bản kỹ thuật số hơn là một tờ giấy có thể dễ dàng bị thất lạc.

Hiện nay, việc sử dụng giấy tờ bản cứng chỉ còn mang tính hình thức. Mọi việc từ mua nhà cho đến hoàn tất hợp đồng đều có thể thực hiện trên các nền tảng kỹ thuật số. Những chiếc máy in sẽ dần trở nên thừa thãi. Việc đầu tư, nâng cấp những sản phẩm dự kiến bị loại bỏ trong tương lai sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Bởi vậy, cho đến khi con người từ bỏ hoàn toàn giấy tờ bản cứng, nhiều khả năng những chiếc máy in vẫn sẽ tiếp tục giữ vững danh hiệu thiết bị văn phòng tồi tệ nhất.

Minh Quang