|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao kim cương không còn là khoản đầu tư đáng giá như trước?

20:32 | 15/09/2023
Chia sẻ
Giá kim cương tự nhiên đã giảm đáng kể khi đối mặt với sự cạnh tranh từ những loại đá quý nhân tạo. Đây là tin tối với những người muốn cầu hôn, nhưng là tin xấu với những nhà đầu tư đá quý.

(Ảnh minh hoạ: Diamondère). 

Sinh lời ngang ngửa cổ phiếu và bất động sản

Sức hấp dẫn của một viên kim cương với người đeo trang sức nằm ở sự lấp lánh của nó, tờ Economist viết. Giá trị chính xác của kim cương được quyết định bởi kỹ thuật cắt, màu sắc, trọng lượng hoặc các lỗi như vết sứt mẻ, trầy xước. Kim cương càng trong, càng nặng và càng được cắt hoàn hảo thì càng tốt. 

Còn đối với nhà đầu tư, sức hấp dẫn của kim cương đến từ lợi nhuận ổn định mà nó đem lại. Dữ liệu về giá kim cương trong dài hạn khá hiếm, một phần là bởi thị trường này thiếu tính minh bạch, phần khác là do sự đa dạng của các loại đá quý kim cương.

Nhưng Giáo sư Luc Renneboog thuộc Đại học Tilburg đã phân tích hàng nghìn buổi đấu giá mỗi năm và vào năm 2015 đã công bố nghiên cứu cho thấy tỷ suất sinh lời trung bình của kim cương trong giai đoạn 1999-2012 ngang ngửa với cổ phiếu và bất động sản. Theo nghiên cứu này, những người nắm giữ kim cương kiếm được tới 8% lợi nhuận mỗi năm.

Tuy nhiên, gần đây, sự ổn định này đã lung lay. De Beers, tập đoàn từ lâu đã độc quyền nguồn cung kim cương, vừa giảm giá 40% các viên đá kim cương chưa cắt có trọng lượng từ 2 đến 4 carat, tờ Bloomberg cho biết.

Trong khi đó, đây lại là phân loại kim cương phổ biến vì chúng có thể được chế tác thành nhẫn đính hôn từ 1 đến 2 carat. 

Vào ngày 13/9, De Beers thông báo công ty sẽ tái khởi động chiến dịch quảng cáo huyền thoại “kim cương là vĩnh cửu” nhằm cố gắng kích thích nhu cầu. 

Lợi nhuận ổn định của kim cương trong quá khứ một phần được tạo ra bởi nhu cầu ổn định. Giống như trong trường hợp của vàng, một kim loại quý giá và hiếm có khác, người ta thường tăng cường nắm giữ kim cương trong các giai đoạn kinh tế bất ổn. Đồng thời, công dụng chính của kim cương là làm đồ trang sức, điều đó có nghĩa là giá cả cũng có xu hướng tăng cao trong thời kỳ thịnh vượng.

Nhưng yếu tố quan trọng nhất là nguồn cung độc quyền. Trong hơn 100 năm, De Beers đã thống trị ngành sản xuất kim cương. Giáo sư Renneboog chỉ ra rằng cấu trúc thị trường này đã tạo điều kiện cho việc tăng giá ổn định theo hai cách. Thứ nhất, bằng cách tích trữ nguồn cung, De Beers tạo ra sự khan hiếm. Thứ hai, tập đoàn hạn chế đầu cơ và sự biến động mà hoạt động này gây ra.

Đối thủ cạnh tranh

De Beers kiểm soát khoảng 80% nguồn cung kim cương toàn cầu trong thập niên 1980. Nhưng kể từ đó, thị phần của tập đoàn đã bị cướp mất bởi các đối thủ cạnh tranh, bao gồm công ty Alrosa của Nga. Giờ đây, De Beers chỉ còn sản xuất 1/3 nguồn cung kim cương. 

Vấn đề khác xuất phát từ các phòng thí nghiệm. Các cơ sở này đang sản xuất ra đá quý nhân tạo bằng cách gây áp lực lên carbon, thay vì khai thác đá từ lòng đất. Dưới mắt thường, hai loại đá quý này giống hệt nhau. Cho tới tận năm 2018, đá quý nhân tạo chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, vào khoảng vài phần trăm. Nhưng từ đó đến nay, thị phần của chúng đã tăng lên khoảng 10%.

Nguyên nhân là gì? Năm 2018, giá của các loại đá quý nhân tạo chỉ bằng 80% giá đá quý tự nhiên. Nhưng giờ nhiều đá quý được tạo ra trong phòng thí nghiệm đang được bán với giá bằng 20–30% giá đá tự nhiên.

De Beers lập luận rằng trong bối cảnh nguồn cung đá quý nhân tạo có vẻ đang tăng tốc, khoảng cách giá cả giữa hai loại đá này sẽ tiếp tục nới rộng, khiến “những kẻ mới đến” trở nên kém hấp dẫn trong mắt các cặp đôi đính hôn. Tuy nhiên, lập luận này có thể phản tác dụng, bởi giá các loại đá quý tự nhiên đang lao dốc trước sự cạnh tranh của đá quý nhân tạo.

Tuy nhiên, việc kim cương tự nhiên mất giá có thể không hoàn toàn là do sự thay đổi mang tính cấu trúc trong thị trường. Tờ Economist cho biết các cặp đôi Mỹ thường hẹn hò ba năm trước khi đính hôn. Do COVID-19, có rất ít người ra ngoài và hẹn hò trong năm 2020. Do đó, có lẽ năm nay số người đính hôn sẽ ít một cách bất thường.

Nhưng đây là loại biến động mà một tập đoàn kim cương hùng mạnh có thể giải quyết bằng cách giảm nguồn cung. Động thái giảm giá là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sức mạnh thị trường của De Beers đang suy yếu. Đó là tin tốt cho những ai muốn ngỏ lời với nửa kia hoặc mua một món đồ trang sức mới. Tuy nhiên, điều này lại làm giảm sức hấp dẫn của kim cương trong mắt những người đang cân nhắc đầu tư vào đá quý.

Giang