Vì sao khủng hoảng việc làm ở thanh niên lớn hơn các nhóm khác trong đại dịch COVID-19?
Theo Báo cáo của ILO-ADB có tiêu đề Giải quyết khủng hoảng việc làm cho thanh niên do đại dịch COVID-19 tại châu Á – Thái Bình Dương, tương lai việc làm của thanh niên ở châu Á và Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Thanh niên (những người có độ tuổi từ 15 đến 24) sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với người trưởng thành (25 tuổi trở lên) trong đại dịch và cũng có nguy cơ phải gánh chịu những chi phí kinh tế và xã hội cao hơn trong thời gian dài hơn.
Thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực vào quí đầu năm 2020 đã tăng mạnh so với quí IV năm 2019. So với quí I năm 2019, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên tại 6 trên 9 quốc gia bao gồm Australia, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam cũng như Hồng Kong, Trung Quốc với mức tăng lớn nhất là 3%.
Ở tất cả các nền kinh tế này, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên đều tăng cao hơn tỉ lệ này của người trưởng thành.
Theo báo cáo, một trong những nguyên nhân khiến thanh niên trong khu vực phải đối mặt với khủng hoảng việc làm lớn hơn so với người trưởng thành là gần một nửa trong số họ (hơn 100 triệu người) đã làm việc trong bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Đó là những lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ và sửa chữa; sản xuất; dịch vụ thuê mướn và kinh doanh; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Bên cạnh đó, thêm cả việc giáo dục và đào tạo phải tạm ngừng, điều này đã tác động đến quá trình chuyển dịch của thanh niên đến thị trường lao động và dịch chuyển trong thị trường lao động.
Những biện pháp ứng phó cấp bách, qui mô lớn và có mục tiêu mà báo cáo khuyến nghị bao gồm trợ cấp tiền lương cho thanh niên, các chương trình việc làm công và các biện pháp giảm thiểu tác động đối với học sinh sinh viên mà việc học hành đào đạo bị gián đoạn.
Chính phủ các nước nên cân nhắc việc cân đối giữa đưa thanh niên tham gia vào thị trường lao động qui mô lớn hơn và là đối tượng của các biện pháp phục hồi kinh tế với các biện pháp can thiệp hướng tới thanh niên nhằm tối đa hóa việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực.
Bà Sara Elder, tác giả chính của báo cáo cho biết: "Những thách thức trong thời kì tiền khủng hoảng đối với thanh niên nay đã tăng lên bội phần do đại dịch COVID-19. Nếu không được quan tâm thích đáng, chúng tôi sợ rằng khủng hoảng này có nguy cơ tạo nên một "thế hệ bị phong tỏa", họ sẽ phải gánh chịu hệ quả gây nên bởi cuộc khủng hoảng này nhiều năm sau nữa".