|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao khó xử lí sai phạm trên thương mại điện tử?

15:41 | 01/05/2020
Chia sẻ
Hiện nay, bình quân mỗi năm Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó, trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến.
Vì sao khó xử lí sai phạm trên thương mại điện tử? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Mặc dù thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá rẻ hơn, giúp doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí… Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát.

Chia sẻ thêm về lĩnh vực này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay, bình quân mỗi năm Bộ Công Thương tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng; trong đó, trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến.

Đáng lưu ý, hầu hết các vụ khiếu nại đều liên quan chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ...

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, do tính chất của thương mại điện tử người mua và người bán không gặp nhau, dẫn đến việc không cần cửa hàng, không biết kho hàng nằm ở đâu.

Không những thế, địa điểm hoạt động kinh doanh online nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư đã gây khó khăn không nhỏ cho lực lượng chức năng trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Ngay cả khi kiểm tra kho hàng cũng khó có thể xác minh được chủ kho hàng.

Mặt khác, khi xử lý các vụ thương mại điện tử phải có chứng cứ cụ thể, nhưng hiện nay 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra, kinh doanh qua mạng xã hội như facebook chưa được kiểm soát hiệu quả, nhất là đối với các mạng xã hội chưa có đại diện pháp luật tại Việt Nam.

Để xử lý triệt để vấn đề này, theo ông Trần Hữu Linh cần xác định đúng bản chất, cá nhân hiện diện trên môi trường trực tuyến và sự tham gia của nhiều đơn vị như quản lý thị trường, an ninh mạng, thông tin truyền thông. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần sớm có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử.

Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường đã đề xuất Bộ sửa đổi văn bản, quy phạm pháp luật để quy định tăng trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch thương mại điện tử với người bán hàng trên đó và cung cấp thông tin đầy đủ hơn. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng…

Thống kê cho thấy, các Cục Quản lý thị trường địa phương đã thường xuyên theo dõi các đường dây, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để mua bán, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hoặc lợi dụng mạng xã hội để bán hàng vi phạm pháp luật. Do đó, nhiều vụ việc đã bị lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Gia Lai đã xử phạt 59,5 triệu đồng đối với 2 cá nhân đã có hành vi sử dụng mạng xã hội facebook để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, các Đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn liên tiếp xử phạt facebook cá nhân rao bán thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh đã tạm giữ hơn 7.600 sản phẩm tại hệ thống Ansan Cosmetics có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có những vi phạm về thương mại điện tử.

Đặc biệt, Tổ công tác quản lý thị trường trong thương mại điện tử được thành lập với kỳ vọng tạo ra bước đột phá mới trong cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại.

Tính đến ngày 8/4, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.800 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Uyên Hương