Vì sao Dow Jones đột ngột rớt 643 điểm, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất hai tháng?
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 643 điểm, tương đương 1,91%, và đóng cửa gần 33.064 điểm. S&P 500 giảm 2,14% xuống còn 4.138 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt sâu nhất khi mất tới 2,55%, dừng chân ở gần 12.382 điểm.
Theo CNBC, đây là phiên giao dịch tiêu cực nhất với cả S&P 500 và Dow Jones kể từ ngày 16/6. Chỉ số biến động VIX - thước đo sự sợ hãi trên Phố Wall - tăng lên 23,9 điểm, cao nhất hai tuần gần đây.
Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã diễn biến bi quan, S&P 500 chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp trước đó. Mặc dù vậy, chỉ số đại diện thị trường này hiện vẫn cao hơn đáy hồi giữa tháng 6 khoảng 13%.
Các nhà đầu tư đang lo ngại tuần giao dịch này sẽ nhiều biến động trước khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell phát biểu về lạm phát và lãi suất tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, bang Wyoming.
Ông Robert Cantwell, Giám đốc quản lý danh mục tại Upholdings, nhận định: “Các chỉ số cắm đầu giảm như hôm nay có nghĩa là thị trường đang muốn nói rằng Fed cần phải mạnh tay hơn trong việc giảm tốc nền kinh tế” nếu như muốn đưa lạm phát quay xuống mức trước đây.
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đóng cửa phiên 22/8 trong sắc đỏ giữa lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất quyết liệt hơn dự kiến. Biểu đồ bên dưới cho thấy ba nhóm lao dốc mạnh nhất là tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.
Amazon và Nvidia giảm lần lượt 3,6% và 4,6%. Netflix sụt 6,1% sau khi bị công ty phân tích thị trường CFRA hạ bậc khuyến nghị.
Rủi ro từ phát biểu của Chủ tịch Fed
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu tại hội nghị thường niên Jackson Hole, Wyoming vào lúc 10h sáng thứ Sáu tuần này (26/8).
Ông Michael Schumacher, Giám đốc chiến lược vĩ mô của Wells Fargo Securities, cho biết thị trường đang dự báo ông Powell sẽ gửi đi những thông điệp cứng rắn về lạm phát và lãi suất sau khi nhiều quan chức khác của Fed tỏ thái độ diều hâu trong những ngày qua.
“Diều hâu” là từ dùng để chỉ những người ưu tiên mục tiêu chống lạm phát và do vậy thường ủng hộ thắt chặt tiền tệ, tăng mạnh lãi suất. Trái lại, “bồ câu” là những người ưu tiên tăng trưởng kinh tế và mong muốn nới lỏng cung tiền, không tăng lãi suất.
Tuần trước, ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, cho biết ông sẽ ủng hộ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20 – 21/9.
Công ty nghiên cứu Wolfe Research cũng cho rằng Chủ tịch Jerome sẽ thể hiện lập trường cứng rắn với lạm phát tại Jackson Hole. “Chúng tôi dự báo ông Powell sẽ tỏ ra diều hâu hơn tại Jackson Hole”, nhà phân tích Chris Senyek viết trong một ghi chú ngày 22/8.
“Fed sẽ phải nâng lãi suất quỹ liên bang lên trên 4,5% mới có thể đưa lạm phát vào con đường bền vững để quay về mức mục tiêu dài hạn 2%”, ông Senyek nói thêm.
“Ông Powell sẽ cố tỏ ra diều hâu để kiềm chế kỳ vọng lạm phát và thắt chặt các điều kiện tài chính. Vì vậy, sự kiện này nhiều khả năng sẽ là chất xúc tác tiêu cực cho thị trường”, Reuters dẫn lời ông Jay Hatfield, Giám đốc đầu tư tại Infrastructure Capital Management, nhận định.
Nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ dự báo Fed có thể sẽ nâng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 tới.
Nhận định lạc quan của JPMorgan Chase
Bất chấp đà giảm của các chỉ số gần đây, ông Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của JPMorgan Chase, vẫn giữ nguyên nhận định lạc quan về nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán. Ông tin tưởng vấn đề lạm phát sẽ được giải quyết và Fed sẽ chuyển hướng chính sách tiền tệ.
Khả năng Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ trong quý II sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng toàn cầu, ông Kolanovic nói thêm. Những nhân tố kể trên, cùng với việc vị thế của các nhà đầu tư trong thị trường cổ phiếu còn khá thấp, tạo nên một "môi trường tích cực" cho các tài sản thuận chu kỳ.
Việc nhà đầu tư bán tháo mạnh cổ phiếu trong những tháng đầu năm nay là một trong những lý do chính khiến cổ phiếu có thể tiếp tục tăng so với mức hiện nay, vị chuyên gia của JPMorgan Chase nói.
“Quan điểm chủ đạo của chúng tôi là nền kinh tế toàn cầu sẽ không suy thoái và lạm phát sẽ hạ nhiệt, biến số có ý nghĩa nhất là vị thế của nhà đầu tư. Và hiện nay vị thế đang rất thấp, trong khoảng dưới 10%”, ông Kolanovic nhận định.
Nguy cơ kinh tế giảm tốc đe dọa thị trường toàn cầu trong phiên đầu tuần. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ một số loại lãi suất cho vay chủ chốt vào ngày 22/8 nhằm cố gắng kích thích kinh tế và bớt áp lực lên thị trường bất động sản đang điêu đứng.
Cổ phiếu ở châu Âu đi xuống sau khi tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo sẽ dừng cung cấp khí đốt trong ba ngày cuối tháng 8.