Vì sao doanh thu của Sao Ta suy giảm trong tháng 2?
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết tháng 2, sản xuất tôm thành phẩm đạt 931 tấn, bằng 92% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm 982 tấn, giảm 9% so với tháng 2 năm ngoái
Sản xuất nông sản thành phẩm 63 tấn, giảm 69% còn sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 87 tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số chung tháng 2 đạt 11,3 triệu USD (khoảng 280 tỷ), bằng 84 % so với tháng 2/2023.
Doanh nghiệp giải trình các chỉ tiêu đều suy giảm so với tháng 2 năm ngoái do lịch nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2 nên công ty chỉ hoạt động 21 ngày. Bên cạnh đó, nguyên liệu tôm ít do cuối vụ cộng với đơn hàng ít cũng khiến sản lượng suy giảm.
Trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cuối tháng 2, đơn vị này dự báo doanh thu quý I của Sao Ta ước đạt 1.008 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ nhờ sản lượng tăng 10%, tương đương sản lượng xuất khẩu trung bình trong quý I của 4 năm 2020-2023 và giá bán trung bình giảm 10% khi giá bán trung bình toàn thị trường chưa có xu hướng tăng rõ ràng.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ được dự báo đạt 56 tỷ đồng, tăng 10% so với quý I/2023. Yếu tố này được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận gộp tốt hơn, ước tăng 2 điểm % lên 10%, nhờ Sao Ta thu hoạch sản lượng tôm tự nuôi trong tháng 1/2024.
Năm 2022, Sao Ta không nuôi tôm trong vụ nghịch để thu hoạch trong tháng 1/2023. Do đó, VDSC kỳ vọng chi phí tôm nguyên liệu của quý I/2024 sẽ thấp hơn cùng kỳ, bù đắp cho sự giảm giá bán.
Liên quan tới căng thẳng biển Đỏ, VDSC cho rằng chi phí vận chuyển của Sao Ta sẽ không tăng mạnh so với cùng kỳ do doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật. Đối với thị trường EU, chủ yếu là nước Anh, doanh nghiệp xuất theo giá FOB.
Cả năm 2024, đơn vị phân tích này dự phóng doanh thu của Sao Ta có thể đạt 5.598 tỷ đồng, lãi ròng 346 tỷ đồng; tăng lần lượt 10% và 25,5% so với 2023 với giả định sản lượng tăng 9,8% và giá bán tăng 0,6%. Biên lợi nhuận gộp 2024 dự báo đạt 11% do sản lượng tôm tự nuôi tăng 29%.