|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Chi phí vận chuyển do căng thẳng Biển Đỏ sẽ làm suy yếu lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản trong quý I'

20:00 | 20/02/2024
Chia sẻ
Theo SSI Research, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng mới công bố, SSI Research cho rằng tốc độ phục hồi của ngành thủy sản bị chậm trong năm 2024, chủ yếu là vào nửa cuối năm, do xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có xu hướng đi xuống từ năm 2023.

Thực tế, tốc độ giảm của xuất khẩu thủy sản đã giảm dần kể từ quý II/2023, tuy nhiên không ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể và giá bán trung bình so với năm trước vẫn đang thấp.

 

Đối với ngành cá tra, nhìn lại chu kỳ trước, giá bán trung bình phải mất từ 1,5 - 2 năm để chạm đáy và mất khoảng 4 năm để đi hết chu kỳ. Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng giá bán trung bình của cá tra có thể tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024 (hai năm từ đỉnh xuống đáy).

Đồng thời, sản lượng xuất sang châu Âu và Trung Quốc sẽ bù đắp một phần sự sụt giảm sản lượng xuất sang Mỹ trong nửa đầu năm 2024 và nhu cầu từ Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2024 do đây là mùa cao điểm.

 

Đối với ngành tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước được cho là sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu theo tháng kỳ vọng sẽ tăng với tốc độ chậm.

Còn giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia (giá chiết khấu cao hơn).

 

Xét về nguồn đầu vào, theo SSI Research, giá đầu vào giảm giúp hỗ trợ một phần biên lợi nhuận gộp của các công ty chế biến.

Do sản lượng đơn đặt hàng phục hồi yếu, nên nguồn cung tôm hay cá nguyên liệu sẽ không thiếu, và giá bán sẽ giảm nhẹ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp vẫn sẽ thu hẹp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2024 do giá bán trung bình giảm so với cùng kỳ và mức giảm nhanh hơn so với nguyên liệu đầu vào.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Mặt khác, theo các chuyên gia, chi phí vận chuyển tăng có thể làm suy yếu lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý đầu năm nay. Nguyên nhân là căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang, chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến thị trường Mỹ/châu Âu trong tháng 1/2024 đã tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2023.

SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3 - 5% trong tháng 12/2023 lên 7 - 10% trong tháng 1/2024.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I/2024 có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.

Minh Hằng