|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chưa hết nỗi lo lạm phát, doanh nghiệp thuỷ sản và dệt may thêm gánh nặng về chi phí vận chuyển

11:36 | 29/02/2024
Chia sẻ
Việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp. Lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ suy yếu trong quý I.

Thách thức mới của doanh nghiệp thuỷ sản

2023 là một năm không mấy sáng cửa của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang ở nhiều khu vực, lạm phát dâng cao khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh. Khó khăn chưa hết, căng thẳng Biển Đỏ lại trở thành một thách thức mới với ngành.

Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình Biển Đỏ được Bộ Công thương tổ chức ngày 6/2, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, đối với hàng thủy sản đông lạnh, chi phí vận chuyển sang bờ Tây nước Mỹ thời thời điểm đó đã tăng 70%; sang châu Âu tăng khoảng 3,5 - 4 lần. Cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng tại Biển Đỏ gây thêm khó khăn cho ngành hàng thủy sản.

Tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ tác động đến những đơn hàng của tương lai, hoặc những chi phí mà doanh nghiệp cần phải tính toán vào trong giá thành sản phẩm. 

Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua Biển Đỏ.

"Các hãng tàu phần lớn chuyển tuyến đường đi vòng qua mũi Hảo Vọng, trong bối cảnh năm 2023 cả hàng nhập và hàng xuất giảm 30-40%, điều này đồng nghĩa với các hãng tàu đều sẽ cắt giảm tàu mẹ. Cộng với căng thẳng Biển Đỏ thì thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài 14 ngày, như vậy, độ trễ tăng thêm gấp đôi”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) ghi nhận thị trường Mỹ đóng góp 29% doanh thu còn thị trường châu Âu chiếm 18% cơ cấu doanh thu năm 2023.

Còn với Nam Việt, thị trường châu Âu và Mỹ chiếm lần lượt 12% và 5% vào doanh thu. Với CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI), công ty xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc với 40% doanh thu, tiếp đó là Mexico với 24%.

Giai đoạn 2021 - 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 đã đẩy chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tăng gấp 2 - 3 lần so giai đoạn trước đó. Thống kê cho thấy tỷ trọng chi phí vận chuyển trên doanh thu thuần của các doanh nghiệp đã tăng vọt trong hai năm 2021, 2022 và hạ nhiệt trong 2023 sau khi đại dịch kết thúc.

 Nguồn: Hoàng Kiều tổng hợp, tính toán từ dữ liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất các năm.

SSI Research ước tính chi phí vận chuyển tăng sẽ khiến chi phí vận chuyển/doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tăng khoảng 3-5% trong tháng 12/2023 lên 7-10% trong tháng 1/2024.

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu, nghĩa là người mua sẽ chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn suy yếu nên người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.

Vì vậy, đơn vị phân tích này cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu trong quý I có thể phải đối mặt với chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi căng thẳng Biển Đỏ hạ nhiệt.

Sự kiện Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến nhóm dệt may

Báo cáo ngày 27/2 của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành công (Mã: TCM) cho biết lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ sự kiện Biển Đỏ là dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản và các sản phẩm đông lạnh. Các tàu chở hàng đã phải đi vòng tuyến đường dài hơn, làm thời gian vận chuyển kéo dài 7 - 14 ngày, kéo chi phí vận chuyển tăng.

TCM thông tin theo tính toán của các doanh nghiệp, với một container đi qua khu vực châu Âu, chi phí có thể tăng thêm từ 1.000 - 2.000 USD. Trước thực trạng trên, các hãng tàu biển đang lựa chọn mặt hàng vận chuyển, các doanh nghiệp cũng đang cân nhắc chuyển hàng qua đường hàng không nhưng chi phí sẽ đội lên rất lớn, khó thương thuyết với đối tác.

"Nếu quá trình này còn kéo dài, doanh nghiệp phải tính lựa chọn thay đổi mặt hàng và đối tác xuất khẩu", báo cáo của TCM nêu.

Năm 2023, TCM ghi nhận thị trường châu Mỹ chiếm 31,7% cơ cấu doanh thu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 26,73%, Canada chiếm 4,73%. Còn thị trường châu Âu chiếm 3,7%, trong đó Anh chiếm 3,02%.

Với CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm 53% và 22% trong tổng doanh thu (Decathlon là khách hàng chính). 

Hay CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) có danh mục khách hàng tập trung vào thị trường Mỹ bao gồm Walmart, Nike, Target và Haddad Brands. 

Giai đoạn 2020 - 2023, tỷ trọng chi phí vận chuyển trên doanh thu của TCM và TNG đều ở mức dưới 1% song cũng ghi nhận dâng cao trong hai năm 2021 và 2022 - thời kỳ tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

SSI Research nhận định khi căng thẳng Biển Đỏ leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên.

Tương tự như nhóm xuất khẩu thuỷ sản, hầu hết các doanh nghiệp dệt may cũng đều sử dụng hợp đồng FOB khi xuất khẩu song người mua có thể đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng trong bối cảnh nhu cầu thấp. Đây cũng là một rủi ro với nhóm doanh nghiệp dệt may.

Cập nhật mới nhất ngày 27/2, phía Dệt May Thành Công cho hay doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu theo điều kiện FOB và nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa theo điều kiện CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí). Hơn nữa doanh thu sang EU của TCM chiếm chưa tới 5%.

Do đó, TCM cho rằng tình hình khủng hoảng Biển Đỏ trong thời gian quá ít ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển cũng như thời gian giao hàng của công ty. Doanh nghiệp thông tin hiện tình hình xuất nhập khẩu của công ty vẫn diễn ra bình thường và không gặp rào cản hay khó khăn gì dưới tác động của căng thẳng tại Biển Đỏ đã và đang xảy ra thời gian qua.

Hoàng Kiều