|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao dịch vụ internet vệ tinh có thể hoạt động tốt nhất tại khu vực Đông Nam Á?

19:00 | 25/06/2023
Chia sẻ
Dịch vụ internet vệ tinh giúp con người có thể kết nối mạng ở hầu hết mọi khu vực, kể cả những vùng quê hẻo lánh hoặc các vùng biển đảo xa xôi.

Các vệ tinh trong không gian đã làm thay đổi cách con người kết nối mạng. Những đổi mới về khả năng của vệ tinh và khả năng tái sử dụng tên lửa để phóng cũng giúp giảm chi phí gửi các vệ tinh lên vũ trụ, theo Tech Wire Asia.

Ngày nay, có khoảng 7.702 vệ tinh đang hoạt động trong không gian, trải rộng trên các quỹ đạo khác nhau của Trái đất. Ngoài ra, hàng nghìn vệ tinh khác dự kiến sẽ sớm được phóng. Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ là quốc gia dẫn đầu về số lượng, song Trung Quốc cũng đang cố gắng để bắt kịp.

Mặc dù thông tin liên lạc là mục đích chính của việc phóng vệ tinh lên không gian, nhưng chúng cũng được sử dụng cho nhiều mục đích khác. Giờ đây, các vệ tinh trong không gian cũng có thể cung cấp khả năng kết nối internet.

Quy mô thị trường internet vệ tinh toàn cầu dự kiến đạt 19,71 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2030 là 11,6%, theo một báo cáo của Grand View Research.

Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường internet vệ tinh trên toàn cầu bao gồm sự gia tăng trong việc áp dụng các dịch vụ vệ tinh trong chính phủ và quân đội, cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều hệ thống internet vệ tinh để kết nối mạng ở các vùng xa xôi.

Trong những năm qua, số lượng nhà cung cấp internet vệ tinh đã tăng lên. Starlink của tỷ phú Elon Musk hiện là nhà cung cấp internet vệ tinh phổ biến nhất thế giới. Có mặt tại hơn 56 quốc gia, hệ thống internet vệ tinh của Starlink được vận hành bởi SpaceX, công ty hàng không vũ trụ do chính Elon Musk điều hành.

Starlink của tỷ phú Elon Musk được coi là nhà cung cấp internet vệ tinh phổ biến nhất hiện nay. (Ảnh: The Manila Times).

Internet từ vệ tinh trong không gian

Starlink cung cấp internet thông qua các vệ tinh quỹ đạo trái đất thấp (LEO) trong không gian. Hiện tại, có hơn 4.000 vệ tinh LEO trên quỹ đạo Trái đất. Starlink có kế hoạch triển khai tới 12.000 vệ tinh trong tương lai để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ của mình.

Các nhà cung cấp dịch vụ internet vệ tinh nổi tiếng khác bao gồm Viasat và HughesNet. Bên cạnh đó, gã khổng lồ Amazon cũng hy vọng sẽ tham gia vào lĩnh vực này thông qua Dự án Kuiper, một sáng kiến nhằm tăng khả năng truy cập băng thông rộng trên toàn cầu thông qua một hệ thống gồm 3.236 vệ tinh LEO.

Nhiệm vụ của dự án này, theo phía Amazon, là mang lại khả năng kết nối băng thông rộng nhanh, giá cả phải chăng cho người dân ở các khu vực chưa được hoặc khó tiếp cận với hệ thống internet thông thường.

Internet vệ tinh ở Đông Nam Á

Đông Nam Á là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài Singapore, khả năng kết nối internet ở các quốc gia khác trong khu vực là một vấn đề. Các quốc gia như Philippines và Indonesia vẫn thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp internet cho một số khu vực.

Trên thực tế, khoảng 20% người dân ở Đông Nam Á vẫn chưa có khả năng truy cập internet. Tỷ lệ thâm nhập của mạng 5G tại Đông Nam Á vẫn thấp hơn so với các nước phát triển, theo thống kê trong một báo cáo của Kearney.

Khả năng chi trả và tính sẵn có của internet vẫn là những lý do chính dẫn tới việc nhiều người trong khu vực Đông Nam Á chưa được tiếp cận với internet. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng internet ở các hòn đảo của Philippines và Indonesia hoặc một số khu vực của Việt Nam, Thái Lan và Campuchia có thể tốn nhiều chi phí.

Hầu hết công ty viễn thông đều nhận thấy rằng các khoản đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu vực này sẽ không sinh lời bằng việc cải thiện mạng lưới internet ở các khu vực đô thị.

Do đó, các chuyên gia cho rằng Đông Nam Á có thể là nơi mà dịch vụ internet vệ tinh hoạt động tốt nhất. Các vệ tinh trong không gian có thể giúp người dân sống ở những khu vực khó tiếp cận để xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng truy cập internet.

Ví dụ, SES đang cung cấp vùng phủ sóng mạng và internet cho một số hòn đảo ở Thái Bình Dương và dự kiến sẽ hợp tác với các công ty viễn thông địa phương cũng như chính phủ Indonesia và Philippines trong việc cung cấp hệ thống mạng.

Indonesia gần đây cũng đã phóng vệ tinh đầu tiên, cho phép người dân ở một số hòn đảo xa xôi của đất nước có khả năng kết nối internet tốt hơn. Chính phủ Indonesia đang làm việc với một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông địa phương để đảm bảo cung cấp internet giá cả phải chăng ở những hòn đảo này.

Dù vậy, không phải công ty internet vệ tinh nào cũng cung cấp các dịch vụ giá cả phải chăng. Đơn cử, dịch vụ internet vệ tinh Starlink có giá 99 USD/tháng (khoảng 2.36 triệu đồng), vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân sống tại các vùng hẻo lánh.

Anh Nguyễn