|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia Trung Quốc lập kế hoạch phóng gần 13.000 vệ tinh để khắc chế Starlink của Elon Musk

14:32 | 25/02/2023
Chia sẻ
Các nhà nghiên cứu cho biết Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một hệ thống vệ ninh khổng lồ quanh quỹ đạo gần Trái Đất để cung cấp dịch vụ internet cho người dùng trên khắp thế giới và đánh bật hệ thống Starlink của tỷ phú Elon Musk.

Các nhà khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch để nhanh chóng phóng gần 13.000 vệ tinh lên quỹ đạo, khắc chế hệ thống internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Báo South China Morning Post (SCMP) trích dẫn nghiên cứu của Giáo sư Xu Can tại Đại học Kỹ thuật Không gian thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) cho biết một dự án có tên GW sẽ phóng lên quỹ đạo 12.992 vệ tinh thuộc sở hữu của tập đoàn China Satellite Network Group mới được thành lập.

Hiện chưa rõ ký hiệu GW có nghĩa là gì. Nghiên cứu của Giáo sư Xu Can và các đồng nghiệp được đăng trên tạp chí Command Control and Simulation (Chỉ huy Kiểm soát và Mô phỏng) của Trung Quốc vào ngày 15/2. Nội dung chính của nghiên cứu là về các biện pháp khắc chế hệ thống internet vệ tinh Starlink của tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX do tỷ phú Elon Musk sáng lập và điều hành.

Vệ tinh Trung Quốc đối đầu Starlink của Elon Musk

Hiện không rõ các vệ tinh của Trung Quốc sẽ được phóng theo thời gian biểu như thế nào, nhưng số lượng vệ tinh GW sẽ đủ sức cạnh tranh với kế hoạch của SpaceX nhằm đưa 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo đến năm 2027.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Xu cho biết hệ thống vệ tinh GW nhiều khả năng có thể được triển khai nhanh chóng, “trước khi Starlink kịp hoàn thành”. Việc sớm hoàn thiện GW sẽ “đảm bảo đất nước chúng ta có một chỗ đứng trên quỹ đạo thấp và ngăn cản hệ thống Starlink chiếm cứ hết các nguồn lực ở quỹ đạo thấp”, nhóm tác giả viết trong bài nghiên cứu.

Các vệ tinh Trung Quốc cũng có thể được đặt ở “các quỹ đạo mà hệ thống Starlink vẫn chưa với tới”, nhóm tác giả viết, đồng thời nói thêm rằng vệ tinh của đất nước tỷ dân sẽ “giành lấy cơ hội và lợi thế ở các độ cao quỹ đạo khác, và thậm chí là khắc chế Starlink.”

Vệ tinh của Trung Quốc có thể được lắp đặt các thiết bị chống Starlink để thực hiện nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn như “do thám các vệ tinh Starlink ở tầm gần và trong thời gian dài”, các nhà nghiên cứu viết.

Mạng lưới internet Starlink hiện có hơn 3.000 vệ tinh trên quỹ đạo và được SpaceX kỳ vọng sẽ phát triển lên hơn 40.000 vệ tinh. Năng lực giám sát và phòng thủ không gian của Trung Quốc không thể đối phó được với nhiều vệ tinh đến vậy, Giáo sư Xu và các đồng nghiệp viết.

Các vệ tinh của Starlink có thể tiếp nhận dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ để lên kế hoạch hoặc điều phối các vị trí của mình, đồng thời được trang bị các bộ cảm biến giám sát để theo dõi môi trường không gian, theo nghiên cứu của các học giả Trung Quốc.

“Các vệ tinh Starlink có thể sử dụng khả năng linh hoạt trên quỹ đạo để chủ động tấn công và phá hủy các mục tiêu ở gần trong không gian”, nhóm nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không gian thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại Bắc Kinh nhận định.

Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các hệ thống radar mạnh mẽ hơn, được vận hành bằng công nghệ mới để xác định và theo dõi các vệ tinh Starlink. Cũng theo các nhà nghiên cứu này, radar và các biện pháp khác sẽ được sử dụng để cập nhật một “bảng liệt kê Starlink” với nội dung bao gồm dữ liệu chi tiết của mọi vệ tinh Starlink.

Giáo sư Xu và các đồng nghiệp nói rằng chính phủ Trung Quốc cũng có thể hợp tác với các chính phủ khác để thành lập một liên minh chống Starlink và “yêu cầu SpaceX công bố dữ liệu quỹ đạo chính xác của các vệ tinh Starlink”.

Các loại vũ khí mới, bao gồm laze và vi sóng năng lượng cao sẽ được phát triển và sử dụng để phá hủy các vệ tinh bay qua Trung Quốc hoặc các khu vực nhạy cảm khác.

Hệ thống Starlink của Elon Musk dự kiến đưa hàng chục nghìn vệ tinh lên quỹ đạo. (Ảnh minh họa: University College London)

Trung Quốc lo ngại ứng dụng internet vệ tinh trong quân sự

Quân đội Ukraine đã sử dụng dịch vụ internet vệ tinh của Starlink một cách có hiệu quả để duy trì liên lạc và đánh trả quân đội Nga. Từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các nhà nghiên cứu quân sự của Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi phát triển năng lực để phá hủy Starlink nếu cần thiết.

Hôm 13/2 vừa qua, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập và Chủ tịch kiêm CEO của SpaceX, đăng tweet rằng tập đoàn hàng không vũ trụ này sẽ hạn chế việc sử dụng Starlink cho mục đích quân sự ở Ukraine vì “chúng tôi không muốn giúp xung đột leo thang thành Đại chiến Thế giới thứ 3”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/2 nói rằng chính phủ Mỹ đã thảo luận với tỷ phú Elon Musk về vấn đề sử dụng Starlink ở Ukraine, nhưng không tiết lộ gì thêm.

Elon Musk hiện là người giàu thứ 2 thế giới với khối tài sản ròng 180 tỷ USD.

Tính đến tháng 10 năm ngoái, SpaceX đã đưa khoảng 20.000 thiết bị thu phát sóng vệ tinh Starlink tới Ukraine, giúp duy trì liên lạc cho quân đội Ukraine khi hạ tầng viễn thông bị phá hủy bởi bom đạn.

85% trong số 20.000 thiết bị tại Ukraine được chi trả một phần hoặc toàn bộ bởi các quốc gia như Mỹ, Ba Lan và các thực thể khác. Những đơn vị này cũng chi trả khoảng 30% gói cước internet. Theo SpaceX, chi phí cho mỗi thiết bị để sử dụng dịch vụ internet cao cấp nhất là 4.500 USD.

Theo lời tỷ phú Elon Musk ngày 8/10/2022, “chiến dịch này đã ngốn của SpaceX 80 triệu USD và sẽ vượt 100 triệu USD vào cuối năm”. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận đang bàn bạc với SpaceX về vấn để sử dụng Starlink ở Ukraine nhưng không bình luận gì thêm.

Đức Quyền