|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vì sao có thêm nhiều công ty Trung Quốc rời TTCK Singapore?

09:17 | 29/04/2017
Chia sẻ
Trong số những cuộc ra đi khỏi Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) trong năm vừa qua, một số công ty đã “thu hút sự ý” vì có những điểm chung sau đây: họ đến từ Trung Quốc và nằm trong số các công ty góp phần vào làn sóng IPO ở đảo quốc này cách đây khoảng 1 thập kỷ, CNBC cho hay
vi sao co them nhieu cong ty trung quoc roi ttck singapore

Các công ty Trung Quốc niêm yết ở Singapore, được biết đến như là các S-chip, đã dẫn đầu thị trường IPO ở đây từ năm 2005-2007 trước khi chững lại vào giữa năm 2012. Theo hồ sơ chứng khoán do CNBC thu thập được, trong những tháng gần đây, các công ty này đã rời khỏi SGX với số lượng lớn hơn, một cách tự nguyện hoặc sau khi không đáp ứng được các yêu cầu niêm yết.

CNBC thấy rằng 6 trong 10 công ty rút lui khỏi sàn giao dịch trong năm nay là các công ty Trung Quốc, so với con số 8 trong cả năm ngoái.

China New Town Development - một công ty bất động sản ngưng niêm yết ở SGX hồi tháng 2 nhưng vẫn có mặt ở Hồng Kông - cho biết việc rút lui khỏi Singapore sẽ giúp họ tiết kiệm các chi phí trong việc tuân thủ quy định và tài nguyên quản lý.

“Một vụ niêm yết có thể giúp củng cố việc giao dịch các cổ phiếu và dẫn tới thanh khoản tốt hơn, là điều sẽ giúp mở rộng số lượng cổ đông và tăng sức hấp dẫn của công ty như là một mục tiêu đầu tư. Sự gia tăng tính thanh khoản như thế thường là một xem xét quan trọng cho các chỉ số thị trường trong việc xác định các cổ phiếu cấu thành của các chỉ số ấy”, một công ty cho biết.

Max Loh, đồng quản lý của EY phụ trách khu vực châu Á và Singapore, nói rằng việc xây dựng sự nhận biết sản phẩm và thương hiệu gần với thị trường quê nhà là điều hợp lý cho các công ty như China New Town Development. Ông cũng lưu ý rằng các S-chip có thể đã không thấy lợi ích mà họ mong muốn từ nhà đầu tư ở Singapore.

“Có lẽ rằng họ không đang đạt đủ giá trị và sự quan tâm từ giới đầu tư trên SGX. Ngoài ra, những trải nghiệm không thuận lợi trong lịch sử với một số công ty S-chip tiếp tục làm hỏng hình ảnh của toàn bộ các công ty trên sàn này”, ông nói.

Loh đã đề cập tới việc gian lận trong kế toán và những vụ tai tiếng khác trong số vài công ty S-chip từng làm rúng động thị trường chứng khoán Singapore hồi đầu những năm 2010. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của các công ty Trung Quốc, qua đó khiến giá cổ phiếu của họ bị sụt giảm mạnh do hậu quả của sự kiện này.

Sau đó, những nghi vấn về quản trị doanh nghiệp và các vấn đề kế toán đã khiến cho SGX đưa nhiều công ty S-chip vào sự giám sát chặt chẽ. Kết quả là, một số công ty đã bị buộc phải ngưng niêm yết sau khi không đáp ứng được các quy định.

“Sàn giao dịch này sẽ hành động nếu công ty đó không đáp ứng được hiệu suất tài chính tối thiểu trong một khoản thời gian nhất định. Ngoài ra, vì thị trường giá giảm thường xảy ra khi thành quả kinh tế tệ hại và kết quả là, thành quả tài chính của các công ty này cũng sẽ tồi tệ. Vì thế, những công ty này có thể quyết định ngưng niêm yết và không còn bán cổ phiếu trên sàn nữa”, Sundaram Janakiramanan, giáo sư tài chính tại Đại học Khoa học Xã hội của Singapore, phân tích.

Đợt tai tiếng đó dẫn đến kết quả là số vụ IPO của các công ty Trung Quốc, vốn ưa thích Hồng Kông hơn Singapore, cũng diễn ra chậm lại. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc rời khỏi SGX cũng không ảnh hưởng đến sức thu hút của thị trường vốn ở đảo quốc này, Loh Boon Chye, CEO của SGX, nói. Ông cho biết sàn giao dịch này vẫn là một trong những nơi giao dịch mang tính quốc tế nhất trên toàn cầu với khoảng 40% các công ty niêm yết đến từ bên ngoài Singapore.

Các công ty đến từ Trung Quốc cũng đã quay trở lại niêm yết trên SGX, Chew Sutat, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định và cổ phiếu của sàn giao dịch này, cho biết.

Hiện có hơn 100 S-chip trong số khoảng 800 công ty được niêm yết ở Singapore.

“Có một số công ty tên tuổi nhỏ hơn đã ngưng niêm yết, nhưng chỉ trong nửa năm qua, chúng tôi đã có EC World REIT, China Jinjiang Environment Holding, Dasin Retail Trust và mỗi công ty trong số họ có giá trị vốn hóa thị trường là từ 0.5 đến 1 triệu đô-la Singapore, lớn hơn nhiều so với những công ty ngưng niêm yết trong cùng thời gian này”, Chew nói./.

Nhã Thanh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.