|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao cổ phiếu ngân hàng chưa hấp dẫn?

12:59 | 28/11/2016
Chia sẻ
Từng được liệt vào nhóm 'cổ phiếu vua', nhưng nhiều cổ phiếu ngân hàng thời gian qua lại chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư như mong đợi. Vậy đâu là nguyên nhân?
vi sao co phieu ngan hang chua hap dan
Các chuyên gia cho rằng việc lên sàn sẽ giúp CP ngân hàng thu hút sự quan tâm hơn của nhà đầu tư (Ảnh: D.Đ.M)

Ngại lên sàn

Theo tìm hiểu của PV, một số ngân hàng (NH) đã lỡ hẹn với các cổ đông trong việc đưa cổ phiếu (CP) lên sàn giao dịch trong năm nay khi xin lùi sang năm 2017. NH TMCP Quốc tế VN (VIB) vừa công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông thông qua việc chốt tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tối đa là 20,5% vốn điều lệ.

Đầu tháng 11.2016, VIB đã hoàn tất thủ tục tăng vốn điều lệ lên 5.644 tỉ đồng thông qua việc chia CP thưởng tỷ lệ 16,5%. Đây cũng là NH đang thực hiện việc đăng ký, lưu ký chứng khoán giao dịch trên sàn UPCoM vào đầu năm 2017. Trước đó, NH TMCP Kiên Long cũng đã thông báo chốt danh sách cổ đông vào giữa tháng 10 để làm thủ tục giao dịch trên UPCoM. Tương tự, trong mùa đại hội cổ đông năm 2016 diễn ra vào giữa năm nay, một số NH như Việt Á, Techcombank, VPBank, Phương Đông… cũng đưa kế hoạch lên sàn giao dịch.

Tuy nhiên, năm 2016 đã sắp trôi qua mà vẫn chưa có thêm CP NH nào chính thức được đưa vào giao dịch trên sàn chứng khoán. Nhiều NH đã chần chừ và lý do đưa ra đa số đều là diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, CP ngành NH chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông…

Chia sẻ về điều này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều NH sợ nếu đưa CP lên sàn mà giá giao dịch dưới mệnh giá (dưới 10.000 đồng/CP) thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu. “Tuy nhiên, việc đưa CP lên sàn giao dịch tập trung sẽ có lợi hơn cho tất cả cổ đông và hình ảnh, thương hiệu của NH. Bởi lẽ, đối với những NH chưa niêm yết, thời gian qua các báo cáo tài chính vẫn không được các nhà đầu tư đánh giá cao vì thiếu sự tin cậy. Một khi đã lên sàn, các thông tin phải được báo cáo theo chuẩn mực bắt buộc, đặc biệt là báo cáo tài chính. Khi đó, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về tình hình sức khỏe của NH và dù giá thấp thì vẫn có nhiều người muốn sở hữu CP của NH, hơn là tình trạng thiếu thông tin chính xác như hiện nay”, ông Hiếu phân tích.

Loay hoay chuyện cổ tức

Sau 9 tháng kể từ đầu năm nay, lợi nhuận của nhiều NH vẫn tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 6.484 tỉ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế 6.326 tỉ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ. Hay Techcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 2.864 tỉ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. VIB đạt lợi nhuận sau thuế 327 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước…

Với những kết quả đã đạt được, lợi nhuận chung của ngành NH trong 9 tháng khoảng 40.000 tỉ đồng, ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 dù đã trừ đi khoảng 70.000 tỉ đồng để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Mặc dù lợi nhuận gia tăng nhưng số NH chi trả cổ tức chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó có Vietcombank thông báo phát hành thêm gần 933 triệu CP thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 35% (cổ đông sở hữu 100 CP sẽ nhận được 35 CP thưởng), tổng giá trị phát hành đạt gần 9.328 tỉ đồng được lấy từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy đến hết năm 2015 của NH.. Hoặc sau nhiều tranh cãi và thậm chí yêu cầu từ Bộ Tài chính, BIDV mới đây cũng thông báo sẽ trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 8,5%, tương ứng 2.905 tỉ đồng…

Mặc dù việc không chia cổ tức được giải thích là để các NH tích tụ nguồn lực cũng như phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, nhưng dưới góc độ các nhà đầu tư, đây là một trong những nguyên nhân khiến CP của ngành này mất đi sự hấp dẫn.

Vì vậy, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, sự lo ngại của các nhà quản lý NH trước câu chuyện lên sàn và sự mong chờ của cổ đông về lợi nhuận, cổ tức, thông tin minh bạch… hiện như kiểu “con gà và quả trứng”. Tuy nhiên, bản thân các NH phải xem xét và ưu tiên vấn đề nào trước để thực hiện, ví dụ như việc đưa CP lên sàn vì xét về dài hạn nó sẽ góp phần nâng cao hình ảnh thương hiệu của NH…

Thảo Vy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.