TS Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán vừa qua giống như hiện tượng của đội U23
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng - Ảnh: BizLIVE. |
Dưới đây là phần trao đổi của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng xoay quanh nhận định về thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam trong năm 2018.
Ông có nhận định gì về tình hình thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam trong năm 2017 vừa qua? Đâu là điều ông cho rằng đáng ghi nhận nhất?
Thị trường tài chính ổn định với tất cả các phân khúc, từ thị trường chứng khoán cho đến thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản và ngân hàng, đều có sự ổn định trong năm 2017. Đồng thời với chính sách tiền tệ của NHNN, các ngân hàng với mức tăng trưởng hơn 18%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của GDP lên đến 6,81%. Đó là những thành quả đáng ghi nhận của thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường vốn với TTCK cũng tăng trưởng rất mạnh. Từ dưới 700 điểm, lên ngưỡng 1.000 điểm vào cuối năm. Tuy nhiên, thị trường tiền tệ của Việt Nam tăng trưởng nhưng chưa có sự bền vững. Dấu hiệu nằm ở những ngân hàng yếu kém ở trong hệ thống đã được xử lý nhưng trong hệ thống tiền tệ, hệ thống ngành ngân hàng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải được điều chỉnh, bổ sung.
Những điểm như lãi suất huy động cao thể hiện thị trường chưa đi vào quỹ đạo của một thị trường ổn định. Dù kiểm soát loạt phát ở mức tốt, dưới 4% nhưng với lãi suất cao không những chứng tỏ nền kinh tế vẫn ở trong sự không ổn định về mặt tài chính đồng thời gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng. Thời gian tới vấn đề chính của thị trường tài chính của Việt Nam không những phát triển mà phải phát triển trong sự bền vững chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn.
Những ngày vừa qua, TTCK rớt điểm mạnh, tới 6% cho thấy thị trường vốn tăng trưởng nhưng chưa ở trong sự ổn định. Thành ra vấn đề chính của thị trường tài chính tiền tệ đó là phát triển bền vững ổn định.
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông có đánh giá gì về động thái này của Chính phủ, tác động của việc này ra sao?
Đây là một nghị quyết quan trọng, tôi ủng hộ việc thành lập. Trong thời gian qua không ít doanh nghiệp có vốn nhà nước cho thấy sự yếu kém dẫn đến nhà nước phải thoái vốn ở các doanh nghiệp này. Dĩ nhiên vẫn có những doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nắm quyền kiểm soát liên quan đến an ninh, an sinh xã hội. Nhưng những doanh nghiệp nào có thể đưa vào thị trường thương mại thì nhà nước nên rút ra khỏi doanh nghiệp đó, không cần phải nắm giữ cổ phần nào. Chẳng hạn trong ngành ngân hàng có 4-5 ngân hàng có rất nhiều vốn của nhà nước, nhà nước không cần phải ở trong những doanh nghiệp đó. Chính vì thế việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để rà soát sự hiệu quả trong việc sư dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp đó.
Một số giao dịch thoái vốn trong thời gian vừa qua đưa đến kết quả rất tốt. Chẳng hạn như Sabeco, những công ty dầu khí trong thời gian qua đã được thị trường đón nhận, đem lại cho Chính phủ nguồn vốn đáng kể. Nhưng vấn đề ở đây là làm sao kiểm soát được nguồn vốn từ những giao dịch thoái vốn đó. Hàng tỷ USD từ thoái vốn đó được sử dụng thế nào.
Gần đây ông có từng đưa ra nhận định giao dịch tiền ảo sẽ sớm trở thành hình thức giao dịch mới trên thị trường bất động sản. Ông có thể lý giải rõ hơn vì sao đưa ra nhận định như vậy?
Giao dịch bất động sản tại một vài quốc gia đã được định giá bằng đồng Bitcoin. Tại Việt Nam nó sẽ cũng trở thành một hiện tượng không tránh được tuy nhiên những ngày gần đây giá trị của đồng Bitcoin xuống thấp, mất 50% giá trị thành ra không trở nên nóng như vài tháng trước đây. Tuy nhiên không những là đồng Bitcoin mà nhiều đồng tiền ảo khác nó tiếp tục vào trong thị trường và vài quốc gia đã giao dịch, tôi không loại trừ được áp dụng tại Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư, việc đầu tư vào bất động sản bằng Bitcoin dĩ nhiên có lợi cho các chủ đầu tư vì họ nhận được đồng Bitcoin nếu tăng giá thì bản thân đồng Bitcoin đã đem lại giá trị chưa kể giao dịch về bất động sản.
Trở lại với TTCK Việt, thị trường đã tăng trưởng mạnh trong năm 2017, ông có cho rằng đà tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018.
TTCK Việt Nam phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại. Hiện tượng thị trường lao dốc không phải do những chỉ số kinh tế vĩ mô của mình có một sự biến động mà có thể đến từ thị trường thế giới. Khi mà thị trường ở New York mất điểm mỗi ngày. Tình trạng lao đốc của TTCK thế giới, sau New York thì các thị trường ở châu Á, châu Âu đều bị rớt điểm, đó là hiện tượng toàn cầu và tác động tới thị trường Việt Nam dễ bị tổn thương nếu xảy ra những biến động trên thị trường thế giới.
Ở thị trường Mỹ lao dốc có thể do sự lo ngại của nhà đầu tư bên Mỹ khi thấy rằng lạm phát có thể tăng lên một cách mạnh mẽ trong 2018. Lạm phát tăng có thể do việc lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp thấp, đẩy nhiều lao động vào trong thị trường, tăng lương của các doanh nghiệp cho người lao động, đặc biệt thành công của tổng thống Mỹ trong việc giảm thuế thu nhập của các doanh nghiệp từ 31% xuống 21% có thể làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại với một lợi nhuận thế này chắc chắn người lao động sẽ được hưởng lương cao. Tức từ việc giảm thuế, doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận cho họ, nhưng từ đó đưa đến việc tăng lương, từ tăng lương đẩy lạm phát lên. Mà lạm phát là lo âu của giới đầu tư.
Đồng thời nữa với tân Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể ông ta tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ của người tiền nhiệm và có thể trong năm nay sẽ tăng lãi suất lên một vài lần. Việc tăng lãi suất sẽ làm giảm giá chứng khoán vì giữa lãi suất và chứng khoán đi ngược chiều nhau.
Với những triển vọng về lạm phát, về lãi suất như thế đẩy giá chứng khoán xuống một cách mạnh mẽ. Mặc dù những vấn đề cơ bản của nước Mỹ tốt cả, tăng trưởng kinh tế cũng như chuyện làm ăn của doanh nghiệp Mỹ khá trong thời gian gần đây nhưng những lo ngại đã đẩy giá chứng khoán lao dốc gần đây từ đó ảnh hưởng tới tất cả các thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
TTCK VN 2018 có duy trì được đà tăng mạnh năm 2017? - Ảnh: Huyền Trâm. |
Một số chuyên gia của TTCK Việt Nam cho rằng, chứng khoán rớt điểm không đáng lo ngại, là điều chỉnh tự nhiên. Tôi không nghĩ vậy vì mình lệ thuộc rất nhiều vào dòng vốn ngoại điều đó đã tạo ra rủi ro cho TTCK Việt Nam.
Đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua khi TTCK thế giới tăng điểm, họ có nhiều tài sản, đổ vốn vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Khi tài sản của họ bị ảnh hưởng trên các thị trường, đặc biệt tại thị trường Mỹ họ có động thái rút tiền từ các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Thành ra vấn đề VN-Index điều chỉnh theo tôi không phải là vấn đề tự điều chỉnh. Quan điểm của tôi gần đây cũng nêu việc tăng trưởng ở đây là một rủi ro và cần phải có kế hoạch chống đỡ rủi ro.
Ông có những kiến nghị gì về các chính sách cho thị trường tài chính tiền tệ để phát triển hoàn thiện hơn?
Trước hết, thị trường tài chính tiền tệ năm 2017 đã có sự ổn định. Sang năm 2018, với nhiều biến động, ẩn số của thị trường tài chính thế giới, Việt Nam cần có những kế hoạch dự trù cẩn thận hơn. Mình không nên quá cường điệu khi mà những chỉ số kinh tế, thị trường của mình phát triển một cách mạnh mẽ.
Tôi dùng thí dụ trường hợp của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Khi mình được giải á quân, mình xem đây là một chiến thắng vẻ vang. Thực ra đây là điều đáng mừng thế nhưng không xem nó như một chiến thắng.
Và TTCK Việt Nam vừa qua nó cũng giống như hiện tượng của U23 vậy. Không nên xem nó như một thành quả lớn lao. Trong bất cứ sự tăng trưởng nào khi mà nó lên bao giờ nó cũng xuống, đặc biệt trong TTCK. Không có bất cứ thị trường nào cứ tiếp tục lên, nó lên rồi nó sẽ xuống, đó là điều chỉnh tự nhiên của thị trường. Mình có những thành quả năm 2017 nhưng nên dự trù những phương án để đối phó với biến động mạnh khi bị xảy ra.
Nói chung vấn đề 2018, đối với kinh tế vĩ mô Chính phủ nên tiếp tục có những phương pháp để giảm nợ công, đặc biệt là vấn để chi tiêu công, đầu tư công được rà soát cẩn thận.
Rồi thị trường vốn cũng cần được tăng cường. Thị trường tiền tệ Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua nhưng thị trường vốn còn rất èo uột. Thị trường cần được tăng cường với những sản phẩm mới, mở rộng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào trong thị trường vốn thay vì cả nền kinh tế dựa rất nhiều vào vốn vay của ngân hàng là vốn ngắn hạn thì thị trường vốn cần phải mở rộng để có nhiều nguồn vốn trung và dài hạn để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!