Triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) - Ảnh: Chu Hoàn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những bước khởi sắc bộc lộ qua việc VN-Index tăng trưởng khoảng 10% trong quý I. Từ đó, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Buổi Tọa đàm "Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ" diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc quần thể FLC Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: Chu Hoàn.
Tại buổi Tọa đàm "Chọn chiến lược đầu tư tối ưu thời chứng khoán bùng nổ" diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế thuộc quần thể FLC Quynhon Beach & Golf Resort, Bình Định, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết: "Chúng ta đang làm việc với 1 trong 3 hãng xem nâng hạng thị trường, đó là MSCI".
Việc chúng ta nâng hạng thị trường thì không phải họ cấp giấy phép gì cả, họ có các tiêu chí và chúng ta cố gắng khi áp vào các tiêu chí này có thể đáp ứng được. Trên thực tế có nhiều nước đã tiến hành nâng hạng nhưng sau đó không đủ điều kiện lại xuống hạng.
Chúng ta chọn MSCI, hiện họ có khoảng 3, 4 tiêu chí cơ bản, trong đó một số tiêu chí như quy mô thị trường, số doanh nghiệp tỷ USD, thanh khoản thị trường về cơ bản chúng ta có thể đáp ứng.
"Về vấn đề minh bạch, chúng ta vẫn còn phải xử lý một số thông tin, đặc biệt là các thông tin công bố bằng tiếng anh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã từng bước tháo gỡ, hướng một số doanh nghiệp đặc biệt là nhóm VN30 công bố thông tin tốt hơn, đặc biệt là bằng tiếng Anh, giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận", ông Sơn cho biết.
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nghị định quản trị công ty giúp cổ đông và hội đồng quản trị hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, độ mở của thị trường cũng là một yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề không hạn chế thì giao quyền cho ĐHĐCĐ quyết định mở tỷ lệ bao nhiêu.
Năm 2017, điều lệ của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đã có nghị quyết giao quyền cho hội đồng quản trị. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến điều này.
Trong lĩnh vực ngân hàng, các dòng vốn FII từ nước ngoài vào vẫn tốt nhưng đầu ra còn những trở ngại nhất định. "Tôi không có ý chúng ta yếu kém về dòng vốn nhưng vẫn có những rào cản. Các thủ tục đã mở hết. Nhưng thủ tục khi mở tài khoản với nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần phải về xin lãnh sự", ông Sơn cho hay.
Khi chúng ta tác động vào thị trường cận biên như hiện nay, thế giới chỉ cho phép tiếp cận ở mức độ nhất định.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh: Chu Hoàn.
Đánh giá về triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng: "Giống như các chuyên gia khác, tôi cũng lạc quan về thị trường chứng khoán, nhưng lạc quan trong thận trọng. Trong năm 2016, chỉ số VN-Index tăng mạnh, và trong quý I năm nay chỉ số này đã tăng 10%. Tôi thấy chỉ số này tăng nhanh quá.
"Cứ theo đà này, tôi nghĩ trong năm nay VN Index hoàn toàn có thể đạt 740 điểm hoặc hơn nữa. Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm 2016 là 72 tỷ USD. Theo tôi, vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện nay là 100 tỷ USD", ông Hiếu cho biết.
Khi so sánh thị trường ngân hàng và thị trường chứng khoán có thể thấy sự lệch pha rất lớn giữa hai thị trường này. Vốn hóa của thị trường vốn khoảng 100 tỷ trong khi dư nợ của thị trường ngân hàng là 300 tỷ USD. "Đây là rủi ro rất lớn. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có 2 điều quan trọng là mở room cho họ và tăng tính minh bạch hơn", ông Hiếu nhận định.