|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao chứng khoán Mỹ có thể đánh giá sai lầm về Fed và lãi suất?

09:09 | 22/06/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 21/6 bật tăng mạnh mẽ bất chấp lo ngại của Bank of America rằng nhà đầu tư đang đánh giá thấp việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sớm hơn nhiều dự kiến.
Vì sao chứng khoán Mỹ có thể sai lầm về Fed và lãi suất? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: NYSE).

Sau khi suy giảm ba phiên giao dịch liên tiếp cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ phiên đầu tuần tăng mạnh trên diện rộng, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đi lên hơn 1,5%.

Ông Mohamed El-Erian, cố vấn kinh tế trưởng tại ngân hàng Allianz giải thích với CNBC: "Thị trường đang yên tâm trở lại. Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nhà đầu tư tin rằng lạm phát chỉ mang tính tạm thời. Họ tin rằng Fed sẽ chỉ giảm tốc chương trình mua tài sản hàng tháng tương đối chậm, và đó là lý do chứng khoán đi lên".

Tuy nhiên, chuyên gia tín dụng Hans Mikkelsen của Bank of America cho rằng quan điểm lạc quan về chính sách của Fed như trên là một sai lầm.

Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tuần trước đã kết thúc với việc các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ có hai lần tăng lãi suất trong năm 2023, nhanh hơn dự đoán của thị trường.

Nhưng ông Mikkelsen cho rằng Fed có thể thắt chặt chính sách nhanh hơn nữa.

Ông Mikkelsen viết trong lưu ý gửi đến khách hàng: "Hãy chuẩn bị cho việc Fed bắt đầu cắt giảm nới lỏng định lượng sớm hơn dự kiến, đặc biệt là giảm tốc nhanh hơn nhiều những gì thị trường đang phản ánh vào giá".

Phân tích của Bank of America lưu ý rằng trong cuộc họp 18 thành viên của FOMC, có tới 7 người nhận định nên tăng lãi suất ngay trong năm 2022. Ủy ban chia rẽ ngang nhau về việc liệu lãi suất có nên thay đổi vào năm sau không, trong khi đó 8 thành viên dự kiến năm 2023 sẽ có ít nhất ba đợt tăng lãi suất.

Nhìn chung, đánh giá của các thành viên FOMC về hướng đi chính sách có sự khác biệt lớn so với lập trường trong quá khứ. 

Ông Mikkelsen nói rằng thị trường tín dụng đang đánh giá sai về hướng đi của Fed. Theo quan điểm của thị trường thì chỉ có 41% khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 7/2022.

Ông Mikkelsen viết: "Sai lầm lớn nhất trên thị trường tín dụng hiện nay không phải là việc Fed ngừng chương trình mua trái phiếu hay thời điểm của đợt tăng lãi suất đầu tiên, mà là tốc độ tăng lãi suất từ đó trở đi. Trong quá khứ, khoảng cách giữa những lần Fed tăng lãi suất ngắn hơn nhiều kỳ vọng của thị trường hiện nay".

Ông Mikkelsen chỉ ra rằng trên thực tế Fed đã bắt đầu rút lại kích thích tiền tệ với việc bán bớt trái phiếu doanh nghiệp đã mua trong đại dịch. Theo ông, động thái trên là "tín hiệu cho thấy Fed ngày càng thấy tự tin để rút lại lập trường chính sách tiền tệ siêu dễ dàng, ngay cả khi điều đó trái ngược với kỳ vọng của thị trường"

Thay đổi trong nội bộ Fed

Về phần mình, các quan chức Fed cũng báo hiệu môi trường chính sách đang thay đổi.

Hôm 21/6, ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York lặp lại nhận định chung là lạm phát là hiện tượng tạm thời và chính sách của Fed là phù hợp với điều kiện hiện tại và dự kiến tương lai.

Ông Williams phát biểu: "Rõ ràng kinh tế đang cải thiện với tốc độ nhanh chóng và triển vọng trung hạn là rất tốt. Nhưng các dữ liệu và điều kiện vẫn chưa cải thiện đủ để FOMC thay đổi lập trường chính sách tiền tệ là hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế".

Nhưng không phải quan chức nào của Fed cũng đồng ý với quan điểm trên. 

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis khiến thị trường hoảng sợ vào hôm 18/6 khi nói rằng ông tin việc Fed tăng lãi suất ngay trong năm 2022 là hành động thích hợp.

Ông Bullard cho biết tình trạng của thị trường lao động là yếu tố quan trọng tác động đến chính sách tương lai của Fed.

Ông Bullard nói: "Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sằng cho khả năng rủi ro lạm phát tăng lên. Các tin tức hiện nay cho thấy thị trường lao động đang thiếu nhân công và các chủ lao động phải cạnh tranh để có người làm".

Nếu áp lực lạm phát lớn hơn những gì các quan chức Fed dự tính thì Fed sẽ buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn ý muốn. Điều này sẽ gây chấn động đến thị trường chứng khoán Mỹ và nền kinh tế do cả hai đều phụ thuộc vào lãi suất thấp.

Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ làm tăng chi phí đi vay đối chính phủ Mỹ, vốn đã chi tiêu rất nhiều trong năm qua và thậm chí còn muốn chi nhiều hơn nữa với kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Ông Joe LaVorgna, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ của ngân hàng đầu tư Natixis cho biết: "Hiện tại, lạm phát là hiện tượng tạm thời. Nhưng nếu nền kinh tế có thêm số tiền kích thích khổng lồ, có khả năng tạm thời sẽ trở thành vĩnh viễn. Do đó Fed đang ở trong tình thế thực sự khó khăn. Tôi nghĩ cách tiếp cận tốt nhất đối với họ bây giờ là nói ít đi".

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.