Vì sao các nhà bán lẻ Mỹ vẫn giữ giá tôm cao dù giá bán buôn đã giảm sâu?
Theo Undercurrent News, đối với các công ty xuất khẩu thì Mỹ, thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, hiện vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Giá bán buôn vẫn chưa cải thiện đáng kể, trong khi giá bán lẻ vẫn ở mức cao đối với người tiêu dùng.
Theo ông Richard Barry, Giám đốc Chương trình tại Viện Thuỷ sản Quốc gia (NFI), giá bán lẻ trung bình ở mức khoảng 9 USD/pound, cao hơn giá bán buôn lên tới 40%, dường như hoàn toàn xa lạ với người nông dân với giá chỉ hơn 4 USD/pound.
Kết quả là nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm, tôm bị đẩy ra khỏi giỏ hàng để nhường chỗ cho các loại protein rẻ hơn như ức gà (trung bình 4,2 USD/pound), sườn heo (4,6 USD/pound) và thịt bò xay (5 USD/pound).
Thông thường, khi tỷ suất lợi nhuận lớn như vậy, sẽ có nhiều chiết khấu và chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, ông Travis Larkin, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty nhập khẩu Seafood Exchange cho biết năm nay, điều đó khó xảy ra.
“Bạn có thể thấy khó hiểu vì không làm việc tại thị trường đó, nhưng đó là văn hoá của siêu thị. Đôi khi những người quản lý bộ phận hải sản phải đối mặt với áp lực của cấp trên trong việc duy trì mức lợi nhuận nhất định”, ông nói.
Trong trường hợp này, bộ phận quản lý chịu áp lực duy trì biên lợi nhuận trong khi lượng hàng tồn kho lớn. Khi chi phí ngày tăng lên, tư duy của các nhà bán lẻ truyền thống bắt đầu thay đổi.
“Nhiều nhà bán lẻ tự tin rằng họ có hàng tồn kho tôm giá thấp, do đó, khi bán với mức giá cũ, biên lợi nhuận vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, điều này lại gây căng thẳng đối với các nhà xuất khẩu tôm. Thị trường đang không hề ổn. Qua trao đổi với một số hệ thống siêu thị, tôi được biết doanh số giảm khá nhiều so với năm ngoái”, ông Larkin nói.
Theo ông, người tiêu dùng Mỹ đã quen với việc mua hàng khuyến mại. Do đó, họ chờ đợi giá tôm giảm mới bắt đầu mua.
Nhập khẩu tôm của Mỹ trong nửa đầu năm nay thấp hơn 18% về lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Barry, một phần nguyên nhân đến từ việc người dân không còn được nhận hỗ trợ về tài chính giống như giai đoạn đại dịch COVID-19.
“Trong bối cảnh này có vẻ giải pháp rõ ràng là giảm giá bán lẻ và chi phí vận chuyển. Nhưng trong 11 năm qua, giá bán lẻ chưa bao giờ dưới 7,7 USD/pound.
Vì vậy, ngay cả khi chúng tôi có sự linh hoạt trong giá bán buôn, có vẻ như các nhà bán lẻ vẫn cảm thấy họ vẫn ổn nếu vẫn giữ ở mức giá hiện tại. Các nhà bán lẻ đang phải quản lý tồn kho hỗ hợp nhiều mặt hàng thực phẩm. Và lợi nhuận của tôm có thể bù đắp cho các mặt hàng khác”, ông Barry nói.
Ông Gorjan Nikolik, trưởng bộ phận phân tích thuỷ sản tại Rabobank nhận định thị trường tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với những vấn đề dư cung kéo dài đến nửa cuối năm 2023.
Ông Nikolik cho biết việc giá bán lẻ tại Mỹ không giảm, còn tại EU mức giảm không đáng kể đồng nghĩa với việc nhu cầu của người tiêu dùng khó lòng phục hồi, mặc dù giá bán buôn giảm.
Ông nói, điều này thực sự đáng lo ngại vì sự phục hồi của thị trường tôm toàn cầu phụ thuộc vào việc các nhà bán lẻ có giảm giá để kích cầu hay không.
“Từ đầu năm đến nay, các nhà bán lẻ Mỹ không giảm giá bán tôm hoặc nếu giảm thì cũng rất ít. Do đó, để thị trường phục hồi, điều đầu tiên cần làm là giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là sau khi giảm giá thì mất bao lâu để nhu cầu phản ứng trở lại. Khả năng nhu cầu phục hồi trong năm nay vẫn còn là ẩn số. Vẫn chưa có tín hiệu các nhà bán lẻ giảm giá”, ông Nikolik nói.