Vì đâu thị trường cà phê phục hồi nhưng loạt doanh nghiệp xuất khẩu báo lỗ?
Thị trường cà phê phục hồi nhưng loạt doanh nghiệp vẫn thua lỗ
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.
Thị trường cà phê trong nước cũng biến động mạnh trong năm 2022, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì quanh mức 40.000 – 44.000 đồng/kg trong 7 tháng đầu năm, sang đến tháng 8 giá cà phê tiến đến sát mốc kỷ lục khi đạt gần 51.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo.
Tính đến ngày 31/12, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng giá chỉ còn 38.600 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai dao động ở mức 39.200 – 39.300 đồng/kg, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 8 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn cung cà phê được bổ sung từ vụ thu hoạch 2022-2023 và triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu được cho là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên thị trường trong thời gian cuối năm.
Nếu tính theo niên vụ, giá cà phê niên vụ 2021 - 2022 (tính từ tháng tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) tăng đáng kể so với trung bình 5 năm trở lại đây. Theo đó, giá cà phê nội địa trung bình trong niên vụ 2021 - 2022 khoảng 43.500 đồng/kg tăng 25% so với vụ trước và tăng 17% so với trung bình 5 năm.
Xuất khẩu cà phê của năm 2022 cũng đạt ngưỡng kỷ lục. Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá cao kỷ lục 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021.
Giá cà phê phục hồi tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đi lùi, thua lỗ.
Theo đó, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) ghi nhận doanh thu năm 2022 khoảng 1.806 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022, tương đương 97,7% kế hoạch. Đồng thời công ty lỗ 19 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Tổng công ty dự kiến kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.960 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 13,5 tỷ đồng, khắc phục kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2022.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc An, Trưởng ban Kinh doanh Xuất nhập khẩu Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé) cho biết trong năm 2023, công ty ưu tiên việc “phòng thủ” hơn: “Năm nay chúng tôi không đặt nặng mục tiêu “đua” theo doanh thu bởi hiện tại thị trường có nhiều biến động và nhiều rủi ro liên quan đến lạm phát, suy thoái kinh tế. Thay vào đó, chúng tôi ưu tiên nhiều về quản trị rủi ro, làm sao để an toàn nhất”.
Theo ông An, thời điểm cuối năm 2022, giá cà phê nguyên liệu ở thị trường nội địa vẫn chưa tốt ngay cả khi trong vụ thu hoạch. Giá nội địa cộng thêm các chi phí như chế biến, kho bãi, tàu vẫn cao hơn khoảng 3% so với giá xuất khẩu nên công ty không ký thêm các hợp đồng mới mà chủ yếu thực hiện hợp đồng cũ.
Ngoài ra, tỷ giá USD vẫn đang trong tình trạng biến động, có thể gây rủi ro và ảnh hưởng đến giá chào xuất khẩu trong cùng thời điểm.
“Nếu giá cả và xuất khẩu thuận lợi, vòng quay hàng tồn kho nhanh thiệt hại chênh lệch tỷ giá trong lãi vay sẽ không lớn. Nhưng hiện nay giá cà phê biến động thất thường như hiện thì chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”, ông An nói.
Ông Đặng Hồng Tuấn – Tổng giám đốc Vinacafe cho biết năm 2022 có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty như kinh tế thế giới bất ổn, có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa chấm dứt, xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng làm ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường hàng hóa nông sản nói chung, trong đó có mặt hàng cà phê.
Ngoài ra, thời tiết biến đổi khó lường, chi phí vật tư phân bón, xăng dầu tăng cao, đầu tư cho vườn cây có phần hạn chế, do đó có ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây và năng suất cây trồng.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành là Vinacafé Biên Hoà cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh trong quý IV và cả năm 2022. Theo đó, doanh thu của công ty trong quý cuối cùng của năm 2022 giảm 30% xuống 707 tỷ và lợi nhuận ròng giảm 47% xuống 134 tỷ đồng do hoạt động kinh doanh ngành hàng ngũ cốc và cà phê hoà tan đi xuống.
Tính đến ngày 31/12/2022, lượng hàng tồn của công ty trị giá 379 tỷ đồng, tăng 231 tăng 64% so với hồi đầu năm.
Nhiều công ty khác trong ngành ghi nhận thua lỗ năm 2022 như Phước An (-14,2 tỷ đồng), Petec (-2 tỷ đồng) hay Cà phê Gia Lai (-25 tỷ đồng)….
Trong niên vụ cà phê 2021 - 2022, việc nhiều doanh nghiệp phải chịu cảnh mua giá cao, bán giá thấp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận ngay cả khi các con số về xuất khẩu cà phê chung cả nước đạt kỳ lục.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Intimex - doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dẫn đầu cả nước, cho biết trong 6 tháng đầu vụ, xuất khẩu liên tục tăng (từ tháng 2 Tết) với tổng khối lượng gần 1 triệu tấn, chiếm 55% tổng lượng xuất khẩu của cả vụ.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối, lượng xuất khẩu giảm do người dân chỉ bán với mức giá cao. Một số tháng cuối vụ, Việt Nam còn chịu cạnh tranh từ hàng robusta Indonesia được chào bán với mức trừ lùi thấp hơn.
Sau giai đoạn tháng 3, giá trừ lùi co lại giảm mạnh từ trên 450 USD/tấn xuống 50 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu có hợp có hợp đồng giao hàng buộc phải mua nội địa giá cao. Thậm chí cuối vụ (tháng 9) do không mua được hàng nên nhiều doanh nghiệp phải xin giao hàng trễ qua tháng 10, tháng 11. Nhiều nhà xuất khẩu nhận khiếu nại về độ ẩm bị trả hàng hoặc phải đền bù chi phí.
CTCP Thắng Lợi là một trong những công ty chịu ảnh hưởng bởi tình trạng mua cao - bán thấp trong năm 2022. Mặc dù doanh thu trong quý IV tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 500 triệu đồng.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu của công ty đạt 450 tỷ, tăng 28% nhưng lợi nhuận giảm tới 80% xuống 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh quý III, công ty cho biết mặc dù tăng trưởng doanh số bán hàng nhưng giá cà phê xuất khẩu giảm trong khi thị trường trong nước tăng nên giá thu mua nguyên liệu chính tăng cao và giá vốn bán hàng cũng tăng theo.
Giá vốn bán của cả năm 2022 là 451 tỷ đồng tăng 32,5% và biên lợi nhuận gộp gần 4% giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2021.
Riêng với trường hợp của CTCP Gia Lai, mặc dù giá vốn giảm một nửa so với năm ngoái nhưng doanh thu thấp hơn so giá vốn. Do đó, công ty ghi lỗ gộp 6,5 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp âm 54% trong khi năm ngoái là 6%.
Tín hiệu tích cực cho đầu năm 2023
Trong tháng 1, giá cà phê Robusta nội địa tăng mạnh khoảng 10% theo giá thế giới lên42.200 – 42.800 đồng/kg. Mức giá này tiếp tục duy trì ở những ngày đầu tháng 2. Giá cà phê thế giới cũng tăng khoảng 12% lên2.053 USD/tấn - 2.016 USD/tấn tuỳ hợp đồng tương lai.
Theo Cục Xuất nhập khẩu giá cà phê Robusta thế giới tăng mạnh so với cuối năm 2022, đạt mức cao nhất trong 3 tháng, nhờ các Quỹ và nhà đầu cơ mua bù cho các hợp đồng đã mạnh tay bán khống từ trước.
Bên cạnh đó, các báo cáo chỉ số kinh tế Mỹ với các dữ liệu tích cực đã hỗ trợ cho hầu hết thị trường hàng hóa nói chung khi suy đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại đà nâng lãi suất USD tại phiên họp điều hành tiền tệ sắp diễn ra vào đầu tháng 2.
Ngoài ra, giá cà phê Robusta tăng nhờ thông tin sản lượng tồn kho giảm. Tính đến ngày 25/1, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận giảm xuống 62.520 tấn.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022- 2023 dự kiến tăng hơn 800 nghìn bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ, nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao (bao 60kg), giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra quan ngại trước triển vọng ngành cà phê trong năm 2023.
Ông Đỗ Hà Nam, nhận định lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm mạnh so với niên vụ trước do hàng tồn kho từ vụ 2021 - 2022 sang ước tính không đánh kể.
Theo Hiệp hội Cà phê- Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng tỷ lệ hàng đạt tiêu chuẩn về tỷ lệ nhiễm thuốc Glyphosate của cà phê Việt Nam được đánh giá ở mức tốt là lợi thế cạnh tranh chính so với robusta Brazil. Hiện Liên Minh Châu Âu đang cảnh báo sẽ tiếp tục siết trong trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, cước tàu đi Châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh và bình ổn so với năm 2020 - 2021.