ICO: Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm, giá có dấu hiệu phục hồi
Giá cà phê có dấu hiệu phục hồi
Chỉ số giá cà phê tổng hợp (I-CIP) được theo dõi bởi ICO giảm nhẹ 0,1% trong tháng đầu tiên của năm 2023, đạt trung bình 157 US cent/pound.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là thị trường đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Giá cà phê khởi đầu năm mới ở mức 157,3 US cent/pound nhưng kết thúc tháng với gần 175 US cent/pound.
So với tháng trước, giá trung bình của nhóm cà phê arabica Colombia và nhóm arabica khác giảm lần lượt 2,3% và 1,7%, xuống 218,9 và 206,8 US cent/pound. Ngược lại, giá của nhóm cà phê arabica Brazil và nhóm cà phê robusta tăng 0,6% và 2,4%, đạt trung bình 170 và 96 US cent/pound.
Trên sàn giao dịch kỳ hạn London giá cà phê robusta tăng 2,2%, trong khi arabica trên sàn ICE New York giảm 3,9%. Chênh lệch giá giữa thị trường kỳ hạn New York và London theo đó giảm 10,1%, xuống còn 74 US cent/pound trong tháng 1 từ mức 82,3 US cent/pound của tháng trước.
Trong tháng đầu tiên của năm 2023, dự trữ cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York tăng 4,3% lên 0,9 triệu bao (loại 60 kg/bao), trong khi dự trữ robusta giảm 3,8% xuống 1 triệu bao.
Diễn biến giá cà phê thế giới (I-CIP) được theo dõi tổng hợp bởi ICO
Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm trở lại
Theo dữ liệu được công bố bởi ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu sau khi tăng vào tháng 11 đã giảm trở lại trong tháng 12/2022, với mức giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 10,9 triệu bao.
Do đó, tính chung 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 12) xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 2,8% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022, xuống còn 30,3 triệu bao.
Luỹ kế trong 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, xuất khẩu cà phê arabica thế giới đạt tổng cộng 79,7 triệu bao, giảm nhẹ so với 80,6 triệu bao của năm 2021; trong khi robusta ổn định ở mức 48,3 triệu bao.
Về chủng loại, cà phê nhân xanh chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 12 với 9,8 triệu bao, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. Luỹ kế 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 27,3 triệu bao, giảm 1,5% so với vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica Colombia trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2022 giảm 12,7%, xuống còn 2,8 triệu bao. Nhóm cà phê arabica khác cũng giảm tới 17,8%, chỉ đạt 3,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê arabica Brazil sau khi tăng 15,2% trong tháng 11 đã giảm 10,3% vào tháng 12. Tuy nhiên, 3 tháng đầu niên vụ hiện tại xuất khẩu arabica Brazil vẫn tăng 5,8% lên 10,3 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê robusta tăng nhẹ 1,1% trong tháng 12 và tăng 2% sau 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 10,5 triệu bao.
Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 - 12/2022)
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đạt 2,8 triệu bao trong 3 tháng đầu niên vụ, giảm 13,6% so với 3,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước. Mặt hàng này chiếm khoảng 9% tỷ trọng xuất khẩu cà phê toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 9,1% của cùng kỳ. Brazil và Ấn Độ hiện đang là hai nước xuất khẩu cà phê hoà tan lớn nhất thế giới.
Tương tự, xuất khẩu cà phê rang xay cũng giảm 5,7% trong 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 208.975 bao.
Chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 - 12/2022)
Xuất khẩu giảm tại hầu hết khu vực
Ngoại trừ sự gia tăng của khu vực châu Á và châu Đại Dương, xuất khẩu cà phê ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết khu vực trên thế giới.
Tại Nam Mỹ, xuất khẩu cà phê của khu vực này đã giảm 17,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ, xuống 4,6 triệu bao. Hai quốc gia xuất khẩu chính của khu vực là Brazil và Colombia, có lượng xuất khẩu giảm lần lượt là 15,2% và 11%, đạt 3,2 triệu bao và hơn 1 triệu bao.
Ecuador và Peru cũng chứng kiến khối lượng xuất khẩu giảm gần một nửa, với mức giảm 45,2% và 41,5%.
Đối với Colombia, sự sụt giảm vẫn chủ yếu liên quan đến điều kiện sản xuất không thuận lợi. Mưa lớn kéo dài do hiện tượng La Niña đã khiến sản lượng cà phê tháng 12 của Colombia giảm 29%, đây là tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp của nước này, kéo theo đó là nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm.
Tương tự là tại Peru, mưa diễn ra liên tục khiến thời gian thu hoạch kéo dài và cản trở quá trình phơi sấy. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như nguồn cung cà phê kể từ đầu vụ 2022-2023.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn cũng làm tăng thêm các vấn đề về nguồn cung cà phê của nước này, dẫn đến khối lượng xuất khẩu trong tháng 12 của Peru chỉ đạt 310.000 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Còn với Ecuador, sự sụt giảm xuất khẩu chủ yếu là do mức nền cao bất thường vào tháng 12/2021, khi đó khối lượng xuất khẩu cà phê của Ecuador tăng tới 164,4%. Vì vậy, khối lượng xuất khẩu 57.599 bao đạt được trong tháng 12/2022 là tương đối phù hợp với xu hướng hiện tại và mức trung bình 57.508 bao của cùng kỳ các niên vụ 2016–2020.
Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 - 12/2022)
Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 4,2% lên gần 4,6 triệu bao trong tháng 12 và tăng 2% lên 6,6 triệu bao trong 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023. Sự gia tăng này chủ yếu là do xuất khẩu của Việt Nam, nhà sản xuất lớn nhất khu vực tăng 16,4% lên 3,4 triệu bao vào tháng 12 năm ngoái.
Ngược lại, xuất khẩu cà phê của Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn thứ ba trong khu vực giảm mạnh 39%, chỉ đạt 0,4 triệu bao trong tháng 12. Đây cũng là tháng tăng trưởng âm thứ năm liên tiếp của nước này.
Tuy nhiên, sự suy giảm của Ấn Độ chủ yếu là do niên vụ 2021-2022 là năm xuất khẩu kỷ lục của nước này, với hơn 7,2 triệu bao được vận chuyển so với gần 6 triệu bao của niên vụ 2020-2021.
Tại châu Phi, xuất khẩu cà phê của khu vực này giảm 9% xuống còn gần 1 triệu bao trong tháng 12. Tính chung 3 tháng đầu tiên của niên vụ, xuất khẩu của châu Phi đạt tổng cộng 3,2 triệu bao, giảm 1,4% so với cùng kỳ 2021-2022.
Uganda, nước sản xuất cà phê lớn nhất khu vực ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 21,9% trong tháng 12 xuống 0,4 triệu bao. Đây đã là tháng sụt giảm trong tháng thứ 12 liên tiếp của nước này, qua đó khiến tổng xuất khẩu cà phê năm 2022 của Uganda chỉ đạt 5,6 triệu bao, giảm 20,3% so với năm 2021.
Hạn hán ở hầu hết các vùng trồng cà phê, dẫn đến mùa thu hoạch chính thấp hơn và ngắn hơn ở miền Trung và miền Đông của Uganda.
Trái ngược với sự sụt giảm tại Uganda, xuất khẩu cà phê của các nước châu Phi khác ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực trong tháng cuối cùng của năm 2022 như Bờ Biển Ngà tăng 69,4% lên 0,2 triệu bao, Kenya tăng 33,2% lên 0,1 triệu bao và Tanzania tăng 18,6% lên 0,3 triệu bao.
Còn tại Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê của khu vực này giảm 15,2% trong 3 tháng đầu niên vụ 2022-2023, chỉ đạt hơn 1,5 triệu bao.
Tính riêng tháng 12, xuất khẩu cà phê của Trung Mỹ và Mexico giảm tháng thứ ba liên tiếp với mức giảm 15,2% xuống 0,7 triệu bao.
Honduras, nhà sản xuất lớn nhất của khu vực ghi nhận khối lượng xuất khẩu giảm 33,7% trong tháng. Có 2 nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, đó là sản xuất tiếp tục phải vật lộn với bệnh gỉ lá, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023; và thứ hai là sự suy giảm mang tính kỹ thuật bởi cùng kỳ năm 2021 xuất khẩu của nước này tăng tới 46,3%.
Xuất khẩu của các nước khác như Costa Rica, Guatemala và Nicaragua cũng giảm lần lượt là 23,3%, 20,7% và 35,1%.