|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì đâu dòng tiền đột ngột mất hút?

07:00 | 02/08/2021
Chia sẻ
Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trên HOSE giảm sâu kể từ ghi hệ thống mới đi vào vận hành. Ghi nhận trong phiên 28/7, thanh khoản rơi về vùng 13.065 tỷ đồng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

Thanh khoản tháng 7 giảm sâu

Vì đâu thanh khoản liên tục sụt giảm trong một tháng qua? - Ảnh 1.

Thanh khoản thị trường phiên 28/7 rơi về vùng thấp nhất kể từ tháng 11/2020. (Nguồn: Fireant).

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 đánh dấu sự trở lại của thanh khoản sau khoảng ba tuần giao dịch ảm đạm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường phiên 30/7 đạt 26.019 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khớp lệnh 860,6 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt gần 20.846 tỷ đồng, tăng 44% so với phiên trước đó.

Mặc dù có sự chuyển biến tích cực hơn trong phiên kết tháng 7, nhưng xét về tổng quan thanh khoản thị trường trong một tháng qua đã giảm rất sâu so với vùng đỉnh tháng 6.

Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trên HOSE giảm sâu kể từ ghi hệ thống mới đi vào vận hành. Có thể nói, lâu lắm rồi nhà đầu tư mới được chứng kiến những phiên giao dịch quanh ngưỡng 12.000 - 13.000 tỷ đồng, đơn cử như trong phiên 28/7. Điều này phần nào cho thấy tâm lý e ngại của thị trường sau đợt lao dốc.

Tính chung cả tháng 7, thanh khoản bình quân trên HOSE đạt 20.215 tỷ đồng, giảm 15% so với tháng trước, thậm chí còn thấp hơn mức 22.038 tỷ đồng của tháng 'Sell in May'. Quả thực với mức thanh khoản tháng 7, hệ thống cũ của HOSE cũng có thể vận hành trơn tru.

Vì đâu thanh khoản liên tục sụt giảm trong một tháng qua? - Ảnh 2.

(Chú thích: Riêng giá trị tháng 7/2021 tính toán dựa trên dữ liệu giao dịch từ HOSE).

Trong buổi chia sẻ gần đây bà Nguyễn Thị Việt Hà, Thành viên phụ trách HĐQT của HOSE cho biết: "Khi HOSE triển khai giải pháp của FPT dựa trên phần mềm của HNX để đưa hệ thống mới có năng lực xử lý cao hơn vào vận hành thì chúng tôi đã kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp đà tăng trưởng, nhà đầu tư có thể thấy tiếp những con số giao dịch kỷ lục mới. Thế nhưng thực tế cho thấy thanh khoản thị trường đã giảm mạnh trong thời gian gần đây"

Góc nhìn chuyên gia về thanh khoản thị trường

Chia sẻ quan điểm về xu hướng đi xuống của thanh khoản, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital cho biết mức thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng mỗi phiên là không thực tế. Con số này tương đương 130 - 160% tổng giá trị vốn hóa của HOSE.

Theo nghiên cứu của Dragon Capital, trong vòng 50 năm qua, thị trường thế giới cũng rất khó để có mức thanh khoản tăng trưởng và ổn định ở mức này. Do đó thanh khoản trên HOSE tại thị trường Việt Nam đâu đó 15.000 - 17.000 tỷ đồng, khoảng 80% giá trị vốn hóa là mức hợp lý.

"Do đó câu chuyện sụt giảm thanh khoản từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng về 15.000 - 17.000 tỷ đồng tôi nghĩ là nên và giá trị giao dịch có thể duy trì ổn định tại vùng này", ông Tuấn cho hay.

Bổ sung ý kiến, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng sự chùng xuống của thanh khoản một phần đến từ triển vọng vĩ mô kém sắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 lần thứ tư lan rộng.

Khi dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, từ đó dẫn đến việc các chỉ số kinh tế không mấy khả quan. COVID-19 xảy đến làm thay đổi kỳ vọng đối với triển vọng hồi phục của nền kinh tế, dẫn đến việc giải ngân vào thị trường chứng khoán không được mạnh mẽ như trước.

Với kỳ vọng trong tháng 8 này Chính phủ sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở các thành phố lớn, dòng tiền lớn sẽ nhanh chóng quay lại. 

Lấy ví dụ về các thị trường trong khu vực cũng ghi nhận mức giảm 10 - 15% tại vùng đỉnh dịch, ông Minh cho rằng Việt Nam cũng không ngoại lệ.

"Tuy nhiên, sự chùng xuống này chỉ mang tính ngắn hạn và đâu đó mang tính chủ động chứ không bị động do tâm thế thị trường đã khác với giai đoạn cuối quý I/2020 rất nhiều. Tôi cho rằng giai đoạn tới nếu có điều chỉnh cũng sẽ không giảm mạnh như lần trước", ông Minh chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Rồng Việt, việc thị trường sụt giảm mạnh so với mức bình quân trong 6 tháng đầu năm nhìn theo hướng tiêu cực thì bên mua đang không dám mua, nhưng dưới góc nhìn tích cực hơn thì bên bán cũng không muốn bán. Có vẻ như cả bên mua và bên bán đều đang trong tâm thế chờ đợi các diễn biến tiếp theo của nền kinh tế.

"Có thể thấy tăng trưởng kinh tế quý III không thể nào là tích cực được đặc biệt là so với cùng kỳ năm ngoái hay tham chiếu với các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế do Chính phủ đặt ra. Các ngành nghề tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau đều vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, Rồng Việt cho rằng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong giai đoạn này là hoàn toàn hợp lý", bà Lam cho hay.

Tuy vậy, trong giai đoạn sắp tới, tốc độ tiêm chủng vắc xin sẽ tác động nhiều hơn đến tâm lý của nhà đầu tư. Một khi tốc độ tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh hơn và hoạt động kinh tế, đặc biệt ở TP HCM được khơi thông trở lại thì đây có thể là tín hiệu khởi sắc cho thị trường.

Dưới góc nhìn của ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, sau giai đoạn thị trường tăng nóng thì các nhà đầu tư thường có xu hướng chốt lời. Bên cạnh đó, phe cầm tiền đang chờ cơ hội để "gom hàng" giá thấp sẽ không sẵn sàng mua vào thời điểm này, từ đó ảnh hưởng đến yếu tố dòng tiền.

Cũng theo ông Trung, COVID cũng sẽ làm tăng sự không chắc chắn về tương lai của các doanh nghiệp. Trong khi các nhà đầu tư hoang mang không biết khi nào dịch bệnh được kiểm soát, tâm lý chờ đợi sẽ kìm hãm dòng tiền gia nhập thị trường. Do đó, thanh khoản thị trường sẽ trở lại rất nhanh khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.

Thu Thảo

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.